Ngày 26/5, Bộ Công Thương cho biết, vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực về việc triển khai thực hiện thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.
Cụ thể, với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện.
Với các nhà máy điện chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm thời, cơ quan này yêu cầu EVN khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện và rà soát các thủ tục để sớm cho vận hành phát điện lên lưới điện. Các nhà máy điện còn lại, cần thoả thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư trước ngày 27/5 để trình Bộ Công Thương phê duyệt và tiến hành đồng thời với việc hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện.
EVN cũng được Bộ Công Thương yêu cầu chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan như thoả thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 27/5 và hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định.
Đồng thời, khẩn trương tối đa xem xét các hồ sơ chủ đầu tư nộp, rà soát các yêu cầu đối với chủ đầu tư về thành phần hồ sơ đàm phán giá điện, đảm bảo đơn giản hoá thủ tục nhưng chặt chẽ, hợp lý và đúng quy định.
Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh theo phân cấp có nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư. Cục Điều tiết điện lực khẩn trương thực hiện công tác cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.
Theo yêu cầu, các cơ quan, đơn vị phải khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nhằm sớm đưa các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện và khai thác tài nguyên, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 24/5/2023, đã có 37 trong tổng số 85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để phục vụ quá trình đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. Theo đó, có 19 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất tổng cộng 1.347MW đã được phê duyệt, thông qua giá tạm.
Đối với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, EVNEPTC cũng đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.
Trước đó, ngày 25/5, Quốc hội thảo luận tổ, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Các đại biểu yêu cầu làm rõ vì sao Việt Nam chưa huy động 4.600 MW điện tái tạo chuyển tiếp lên lưới, lại phải đi nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc.
Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), trong khi hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, song giờ không thể đấu nối, phát điện trong khi kinh tế thiếu điện, phải tăng mua của Lào, Trung Quốc, gây lãng phí lớn.
“Tôi cho rằng, ngành điện phải nghiên cứu, tìm ra các phương án tối ưu, đảm bảo an ninh năng lượng; có thể tìm được nguồn nguyên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất. Trong đó cần cơ chế giá hợp lý cho các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện tái tạo tham gia vào kinh doanh điện", đại biểu Yên nêu rõ.
Cùng băn khoăn, đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay, hiện người dân bức xúc việc vì sao phải nhập khẩu điện trong khi 85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp, tổng công suất 4.600 MW vẫn đang đàm phán giá, chưa thể phát điện lên lưới.
"Thủ tục là do ta đặt ra, tại sao không cải tiến thủ tục để hòa lưới 4.600 MW mà phải đi mua điện của Trung Quốc, Lào. Trách nhiệm ở đây là cơ quan nào?", ông Minh đặt vấn đề.