Thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới biến động bất thường. Trong nước, mặc dù Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan đã tích cực đưa ra các giải pháp để bình ổn thị trường nhưng thị trường vẫn còn những “nút thắt”: Doanh nghiệp kinh doanh kêu lỗ, một số nơi đứt đoạn nguồn cung... khiến người tiêu dùng gặp bất lợi.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa Nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đã chỉ ra một số nguyên do chính của vấn đề này.
Thưa ông, tình trạng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa không bán hàng tại một số địa phương phía Nam cho thấy tình trạng thiếu nguồn cung đang diễn ra. Theo ông, đâu là nguyên do của vấn đề này?
Tình trạng nói trên đã ảnh hưởng đến đời sống và gây tâm lý bất ổn trên thị trường. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những giải pháp cần thiết điều hành thị trường song tình trạng “lộn xộn” vẫn diễn ra.
Một trong những nguyên do là các giải pháp ứng xử, can thiệp từ phía các cơ quan quản lý chủ yếu vẫn xoay quanh mệnh lệnh hành chính (như kêu gọi, ra lệnh, kiểm tra, xử phạt, rút giấy phép...).
Thậm chí, nhiều đơn vị liên quan còn “đổ lỗi” qua lại về những bất cập trong điều hành. Song theo tôi, việc điều hành còn loay hoay, lúng túng trong xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Chính vì vậy, thị trường mới diễn ra những bất ổn.
Cái gốc khiến cung-cầu xăng dầu căng thẳng (theo hướng cung không đáp ứng đủ cầu và đứt gãy nguồn cung ở nhiều nơi) là do việc nhập khẩu xăng dầu trên thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhập khẩu ở thị trường có thuế suất ưu đãi thì nguồn hàng không có nhiều, chuyển sang nhập khẩu ở các thị trường khác (có thể suất cao hơn thuế suất ưu đãi) thì không được phép lỗ.
Một cửa hàng xăng dầu vẫn treo bảng hết xăng dầu. (Ảnh: TTXVN)
Ngoài ra, nguồn tài chính của các doanh nghiệp không đủ để mua hàng do không được tăng thêm hạn mức tín dụng; chi phí đưa xăng dầu về nước (Prenium trong nước, chi phí vận chuyển…) tăng cao hơn quy định song không được điều chỉnh phù hợp.
Trên thực tế, giá thị trường biến động liên tục nhưng chu kỳ tính giá trong nước thì dài dẫn đến những rủi ro về giá rất lớn khi đưa hàng về bán theo giá trong nước. Chính vì vậy, một số thương nhân đầu mối hạn chế nhập, nhập cầm chừng, thậm chí không nhập (trong khi sản xuất trong nước không có đủ nguồn thay thế). Số liệu của Bộ Tài chính công bố cho thấy lượng nhập khẩu xăng dầu trong quý 3 giảm 30%-40% (tùy loại so với quý 2) đã minh chứng điều này.
Dưới góc nhìn khách quan, tình trạng đứt gãy nguồn cung ở một số nơi là một thực tế hiện hữu không thể phủ nhận, do nguồn cung “bơm” ra thị trường từ các thương nhân đầu mối gặp khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp này cũng chỉ cố gắng nỗ lực đảm bảo cung ứng cho hệ thống của họ. Điều này dẫn đến việc hầu hết các thương nhân phân phối khó mua được hàng (thậm chí không mua được hàng của các thương nhân đầu mối). Hệ quả, hệ thống bán lẻ không có đủ hàng để bán.
Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu hiện nay không bù đủ giá vốn, gây lỗ cho doanh nghiệp (do các chi phí như Premium, tỷ giá...). Các thương nhân đầu mối và phân phối buộc phải ứng xử theo cách đảm bảo an toàn về lợi ích (tăng giá bán buôn bằng và thậm chí cao hơn giá bán lẻ theo quy định). Hứng chịu cách hành xử của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối như vậy, các cửa hàng bán lẻ chắc chắn sẽ bị lỗ và không cách nào khác là phải đóng cửa, ngừng bán hàng... bởi họ là doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải làm công ích.
Theo ông cần phải có những giải pháp căn cơ như thế nào để có thể tháo gỡ những "nút thắt" trên?
Không nhìn thẳng vào thực tế thị trường xăng dầu sẽ không thể xử lý bình ổn được. Giải pháp cấp bách hiện nay là cần có một tổng chỉ huy đưa ra các quyết sách tháo gỡ “nút thắt” khơi dòng nguồn cung.
Thứ nhất là cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu (kể cả ở thị trường không có thuế suất ưu đãi) và chấp nhận mức thuế suất cao vào trong giá cơ sở để chủ động nguồn cung. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành tính toán tăng thêm hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhằm bám sát những thay đổi của thực tế, bao gồm chi phí và giá thị trường.
Thứ hai là điều chỉnh các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu (đã lỗi thời) theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ (bao gồm Premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng quốc tế, chi phí đưa xăng dầu về đến cảng Việt nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, tỷ giá và toàn bộ chi phí kinh doanh, định mức kinh doanh xăng dầu).
Thứ ba là hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia khoản chi phí định mức cho từng khâu, để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng (cơ quan Nhà nước có thể hướng dẫn tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức).
Thứ tư, bãi bỏ ngay quy định các doanh nghiệp phân phối mua xăng dầu từ nhiều đầu mối. Quy định này khiến cho thương nhân đầu mối không thể chủ động nguồn cung cho các nhà phân phối. Do đó có thể thay thế quy định trên bằng việc doanh nghiệp phân phối phải đăng ký, cam kết số lượng mua, hệ thống của hàng quản lý và chỉ được mua hàng của hai cơ sở đầu mối.
Cuối cùng là đổi mới chu kỳ tính giá theo hướng rút ngắn từ 10 ngày xuống 5 ngày, phù hợp với phương thức mua bán 2-1-2 tránh tính giá thế giới bình quân gồm các ngày nghỉ. Trong đó, ngày điều hành giá trong nước không đẩy lùi nếu trùng vào ngày nghỉ, lễ tết, điều này nhằm phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới đồng thời giảm sự “lệch pha” giữa giá trong nước với quá thị trường thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!