Năm 2022 trở nên đặc biệt và ấn tượng ngoài mong muốn với người tiêu dùng, cũng như với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa, xẩy ra nhiều lần, càng bán càng lỗ, người dân nhọc nhằn “chạy vạy” để có xăng dầu…
“Việt Nam không thiếu xăng dầu” - khẳng định nhiều lần được cơ quan, đầu mối chuyên trách đưa ra. Các nguyên nhân cũng được phân tích nhiều. Song, phải đến cuộc thảo luận tại tổ sáng 22/10 của Quốc hội, câu chuyện xăng dầu trở nên toàn cảnh hơn khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên “dốc hết ruột gan” để nói các khía cạnh.
“GIÁ XĂNG DẦU CỦA VIỆT NAM THẤP NHẤT KHU VỰC...”
Ở tổ 12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (đoàn Hải Phòng) chia sẻ 5 ngày trước được cử sang công tác tại Nga về diễn đàn năng lượng với các đối tác Nga, Bộ Kinh tế Nga.
Tại Nga sở hữu khối lượng dầu mỏ lớn, chiếm 30-35% dầu lửa thế giới, Nga khó khăn trong việc bán ra sản phẩm dầu lửa và khí đốt, giá bán lẻ của Nga là 58-60 Rup/lít, so với đồng USD là từ 1-1,2 USD (tương đương trên 30 nghìn đồng/lít), trong khi đó, ở Việt Nam duy trì ở ngưỡng từ 21.000 - 25.000 đồng, cao nhất, ở thời điểm này là 23.000 đồng.
“Giá xăng dầu của chúng ta thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới, trừ Malaysia trợ cấp trong nước thì không nói, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của chúng ta”, ông Diên nói.
Về chuyện nhiều cửa hàng đóng cửa, Bộ trưởng khẳng định, về nguồn cung, Việt Nam chưa bao giờ thiếu. Cho đến thời điểm này, khi dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác.
“Chúng tôi có những cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách rất chi tiết. Hàng ngày chúng tôi có lực lượng quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước kết hợp với Sở Công Thương kiểm soát từng địa bàn, nắm lượng hàng”, ông Diên thông tin.
Bộ trưởng cho biết, tới ngày 30/9, còn hàng dự trữ thương mại là hơn 1,25 triệu m3 xăng dầu; năng lực sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong tháng 10 đảm bảo 80% nguồn cung trong nước (1,7 - 1,75 triệu m3), tương đương 1,36 triệu m3. Tức là có khoảng 2,6 triệu m3 xăng dầu.
Ngoài ra, 34 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trong tháng 10 khoảng 500.000 m3 xăng dầu. Tổng chung có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu trong thời điểm cuối tháng 9, giữa tháng 10.
Với lượng dự trữ này, ông Diên khẳng định hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11. Và sang tháng 11 các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, nhập khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thảo luận tại tổ - Ảnh: Vĩnh An“ĐÃ LỖ THÌ AI DÁM LÀM”
Giải thích về nguồn cung không thiếu, nhưng bán ra thị trường có khó khăn, Bộ trưởng nói khó khăn này là trên cả nước. Doanh nghiệp phải mua giá cao, nhập giá cao kỳ trước, bán trong kỳ với giá thấp thì lỗ, “mà đã lỗ thì ai dám làm”.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, hàng loạt chi phí đã lỗi thời, từ lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi… đều bất cập, lạc hậu.
Vậy tại sao không xảy ra việc đóng cửa cửa hàng xăng dầu trên phạm vi cả nước, mà chỉ tập trung ở TP.HCM, miền Tây? Bộ trưởng nói rõ, quản lý mặt hàng xăng dầu, dư luận đặt vấn đề trách nhiệm thuộc ngành Công Thương.
“Đúng là chúng tôi được giao quản lý mặt hàng này. Nhưng xin thưa là quản lý xăng dầu gồm 7 bộ, ngành và địa phương cùng chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Bộ Công Thương chỉ được giao làm sao đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối cho tới thương nhân phân phối”, Bộ trưởng Diên nói.
Và trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện có 4 tầng nấc: doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối (đơn vị nhận hàng từ doanh nghiệp đầu mối), đại lý/tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ.
Theo Bộ trưởng, tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ có khoảng 17.000 cửa hàng, đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp, quản lý trực tiếp.
“Trong phân phối, chúng tôi có nguồn, nhưng để phân phối được ngoài kiểm soát, điều phối doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, thì cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương quản lý, kiểm soát và xử lý hệ thống đại lý/tổng đại lý. Có như vậy mới đồng bộ”, Bộ trưởng cho biết.
Còn thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng dầu… trong giá xăng dầu là Bộ Tài chính. Bộ Giao thông vận tải đảm bảo lưu thông mặt hàng này. Quản lý chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học và công nghệp; quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Diên cho biết thêm.
VÌ SAO CỬA HÀNG PHÍA NAM HAY THIẾU HỤT?
Trả lời câu hỏi này ông Diên khẳng định, khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Tháng 8 vừa qua bắt được vụ sản xuất, buôn xăng dầu lậu hàng trăm triệu lít. Có lượng xăng trôi nổi như vậy, người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như không quan tâm chuyện mua của ai một cách ổn định.
Giờ siết chặt xăng dầu lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống. Mà xăng dầu chính thống, nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động nên khó khăn, chiết khấu thấp. Đang kiếm được nhiều tiền, giờ ít hơn, thậm chí lỗ, thì không ai làm.
Thực tế nữa cũng được Bộ trưởng nhìn nhận, bên cạnh nhiều doanh nghiệp “vơi tiền” vì tham gia bất động sản, chứng khoán, thì còn có lý do về tín dụng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, “vừa qua cơn lốc chứng khoán, bất động sản có tác động nhất định đến nguồn cung xăng dầu. Thông thường những doanh nghiệp làm xăng dầu đều có tham gia ít nhiều bất động sản, chứng khoán, nên nguồn tiền bị vơi đi. Đến kỳ nhập hàng, bối cảnh nhập cao, bán thấp thì họ không có nguồn tiền nhập, là đương nhiên”.
Doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối hay đại lý khi kinh doanh lĩnh vực này đều được ngân hàng mở một khoản để vay. Hạn mức này quy định từ trước khi giá xăng dầu trước chỉ 50-60 USD/thùng, nhưng giá hiện giờ tăng 2 lần, nhưng hạn mức tín dụng chỉ có thế. Thì những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, không làm ngoài ngành, cũng không có tiền để nhập, chưa kể có anh làm tay trái nọ kia.
Nguyên nhân nữa, theo Bộ trưởng, thông thường trước đây các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh khu vực này có nhiều nguồn nhiều lấy, cùng lúc ký với nhiều doanh nghiệp đầu mối nhưng ký rồi lại không nhập, không mua trong thời gian dài nên doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối.
“Lúc bình thường anh không cần người ta do có nguồn để mua, còn lúc khó lại nhao đến. Doanh nghiệp đầu mối, như Petrolimex không thiếu hàng, nhưng họ phải đảm bảo trong hệ thống và cho thương nhân”, Bộ trưởng giải thích.
Bộ trưởng cũng kiên trì quan điểm là doanh nghiệp nào sai thì kiên quyết xử lý theo luật: “Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đã có hiệu lực, tất nhiên cơn lốc vừa qua bộc lộ nhiều khuyến khuyết, và sẽ nghiên cứu sửa đổi”.
Theo ông Diên, nếu rút giấy phép thương nhân phân phối, đồng nghĩa chặt đứt nguồn cung cửa hàng bán lẻ, đại lý. Vì thế “không thể có chuyện quýt làm cam chịu. Sau này chúng tôi sẽ làm theo hướng, anh vi phạm thì lần 1 phạt tiền; lần 2 phạt tiền cao hơn và lần 3 thu hồi giấy phép. Anh đi thì người khác sẽ đến, trăm người bán, vạn người mua”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Người đứng đầu ngành công thương cũng nêu thông tin không mấy lạc quan, đó là OPEC tuyên bố giảm 2 triệu thùng một ngày. Nga sẽ cắt giảm sản lượng tương đương 2 triệu thùng một ngày. Châu Âu đang phải đổ tiền mặt ra nhập xăng dầu. Dự báo thị trường năng lượng, xăng dầu thế giới thời gian tới còn tồi tệ hơn, nếu tình hình địa chính trị thế giới không thay đổi.