Tháng 10/2022, xuất khẩu cao su biến động không đồng nhất, giá có xu hướng tăng trong 20 ngày đầu tháng, sau đó giảm mạnh trở lại. Song, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 nhờ thị trường Trung Quốc tăng nhập khẩu.
Thị trường Trung Quốc chiếm 72,05% tổng khối lượng xuất khẩu
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, xuất khẩu cao su đạt 223.592 tấn, trị giá 415,208 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và 48,6% về trị giá so với tháng trước. Cộng dồn 10 tháng đạt 1.620.139 tấn, trị giá 2,708 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 8,7% về trị giá.
Dự kiến từ đây đến cuối năm 2022, lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu sẽ còn tăng khi các thị trường lớn của Việt Nam bắt đầu tăng tốc sản xuất và tích trữ cho dịp cuối năm.
Cao su của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 89,8% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất.
Top 3 thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10/2022 đạt 177.811 tấn, trị giá 241,8 triệu USD, so với tháng 10/2021 tăng 22,7% về lượng và tăng 2,31% về trị giá.
Cộng dồn 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc đạt 1.167.365 tấn, trị giá 1,81 tỷ USD, chiếm 72,05%/tổng khối lượng xuất khẩu; so với cùng kỳ năm 2021 tăng 11,57% về khối lượng và tăng 6,84% về trị giá.
Thứ hai là thị trường Ấn Độ, 10 tháng đầu năm nay xuất khẩu cao su sang thị trường này đạt 106.950 tấn, trị giá 184,981 triệu USD; so với cùng kỳ năm 2021 tăng 15,74% về lượng và tăng 12,4% về kim ngạch.
Thứ ba là thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu cao su sang thị trường này trong 10 tháng qua đạt 40.249 tấn, trị giá 68,989 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 6,97% về khối lượng và tăng 1,74% về trị giá.
Nhiều yếu tố tác động lên giá mủ cao su
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, 10 tháng qua xuất khẩu cao su tuy có tăng trưởng nhưng trong quý 4/2022 vẫn gặp khó khăn do đồng USD đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát. Vì các loại hàng hóa cơ bản được tính bằng USD, nên khi USD tăng mạnh sẽ hạ giá trị các loại hàng hóa này. Cao su cũng không ngoại lệ khi giá mủ có diễn biến giảm trong giai đoạn đồng USD tăng mạnh. Mặt khác, rủi ro của ngành cao su là mưa lớn kéo dài vào vụ cao điểm nên ảnh hưởng đến sản lượng mủ thu hoạch.
Khi bàn về giá cao su xuất khẩu, ông Võ Hoàng An – Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng bên cạnh yếu tố cơ bản cung – cầu, giá cao su còn chịu ảnh hưởng của diễn biến trên thị trường giá dầu, tâm lý đầu tư và những biến động kinh tế cũng như hoạt động sản xuất tại các nước tiêu thụ lớn.
Năm 2022, thị trường cao su chịu tác động mạnh bởi ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ukraine phủ bóng lên bức tranh kinh tế hậu COVID-19 và làm trầm trọng thêm gián đoạn chuỗi cung ứng; chính sách của các ngân hàng trung ương nhằm giải quyết lạm phát duy trì ở mức cao; biến động về sức mạnh đồng tiền của các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên so với đồng USD và sự bùng phát các ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc.
Ngành cao su Việt Nam đã vượt khó khăn và đạt được những bước tiến về sản xuất, nhưng giá bán bình quân của cao su Việt Nam vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực dù Việt Nam có những doanh nghiệp sản xuất cao su có chất lượng cao và đảm bảo đạt tiêu chuẩn cao su quốc gia cao hơn tiêu chuẩn quốc tế (ISO).
Những nguyên nhân dẫn đến giá bán cao su Việt Nam thấp hơn thị trường thế giới do khách hàng chưa tin cậy vào sự ổn định chất lượng và uy tín thương mại của doanh nghiệp, đặc biệt đối với nguồn cao su của tiểu điền đang chiếm trên 60% tổng sản lượng cả nước nhưng chất lượng chưa ổn định, chưa đồng đều và chưa có hệ thống kiểm tra chất lượng từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh yêu cầu đảm bảo về chất lượng và uy tín kinh doanh, ngày càng nhiều khách hàng cần nguồn nguyên liệu cao su được chứng nhận sản xuất hợp pháp và bền vững bởi các tổ chức độc lập.
Trong giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp ngành cao su đã nỗ lực vượt qua thách thức để duy trì sản xuất, đảm bảo sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng liên tục. Tuy nhiên, cũng như các ngành hàng nông sản khác, ngành cao su đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế và chính sách, gây khó khăn cho sự phát triển bền vững của ngành cao su nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Bốn kiến nghị tháo gỡ khó khăn về chính sách
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, các doannh nghiệp trong ngành hiện gặp những khó khăn trong các chính sách thuế, gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); chính sách tài chính đối với đất đai; chính sách môi trường (chính sách môi trường trong chế biến cao su); chính sách về phát triển thương hiệu ngành cao su.
Do vậy, Hiệp hội Cao su Việt Nam kiến nghị và đề xuất những giải pháp như sau:
Thứ nhất, đối với chính sách thuế GTGT và thuế TNDN, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách thuế GTGT đối với mủ cao su sơ chế như những nông, thủy sản sơ chế khác; kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như các sản phẩm trồng trọt khác.
Thứ hai, đối với chính sách tài chính đối với đất đai, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản.
Thứ ba, đối với chính sách môi trường trong sản xuất chế biến cao su, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê đưa mã ngành nghề chế biến cao su thiên nhiên từ nguyên liệu mủ cao su thiên nhiên thành cao su khối và cao su cô đặc về mã ngành nghề nông nghiệp.
Thứ tư, đối với chính sách về phát triển thương hiệu ngành cao su, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các chính sách hỗ trợ trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh và đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài tương tự như các nông sản khác. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia để góp phần phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” thành thương hiệu nông sản quốc gia.