Mức tăng trưởng 2 con số của tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước những tháng gần đây có đặc điểm gắn với nền tham chiếu thấp của cùng kỳ 2021 - giai đoạn COVID-19 tác động sâu rộng đến các hoạt động kinh tế.
Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 9 tháng của năm 2022, trong đó cập nhật một số thông tin về hoạt động đầu tư, đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư trong giai đoạn.
Theo GSO, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 10 tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung triển khai, thực hiện và giải ngân với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 10 ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn trung ương quản lý đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1%; vốn địa phương quản lý 43,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2022 phân theo bộ, ngành. Nguồn GSO
Lũy kế 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 387,7 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% kế hoạch năm và tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 64,3% và giảm 7%).
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý ước đạt 69,4 nghìn tỷ đồng, bằng 62,3% kế hoạch năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 318,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68,2% kế hoạch năm và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, so với thống kê ở tháng liền kề, phần vốn đầu tư thực hiện của địa phương đã tăng thêm hơn 43 nghìn tỷ đồng và tiếp tục tăng hơn 158 nghìn tỷ đồng so với thống kê của nửa đầu năm.
Ở nhóm bộ ngành, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về thực hiện vốn đầu tư công trong giai đoạn với khối lượng hơn 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng thêm gần 5 nghìn tỷ đồng so với tháng liền kề.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2022 của một số địa phương.
Trong phần vốn ngân sách địa phương, vốn NSNN cấp tỉnh đạt 209,8 nghìn tỷ đồng, bằng 64,4% và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021; Vốn NSNN cấp huyện đạt 93,4 nghìn tỷ đồng, bằng 75,6% và tăng 27,8%; Vốn NSNN cấp xã đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, bằng 86,2% và tăng 8,1%.
Ở nhóm địa phương, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh tiếp tục là một số địa phương có lượng vốn thực hiện khá trong giai đoạn. Trong đó, Hà Nội có lượng giải ngân đạt hơn 36,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ 2021.
Liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tại báo cáo mới công bố từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội, qua giám sát, Thường trực Ủy ban này nhận thấy: “Thực chất giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn nhiều so với báo cáo”
Cụ thể, qua giám sát, Thường trực UBTCNS nhận thấy, theo báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn NSNN năm 2021 thanh toán đến 31/01/2022 là 437.963,18 tỷ đồng, đạt 94,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch năm 2021 (bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao 461,3 nghìn tỷ đồng và kế hoạch địa phương giao tăng thêm 79,34 nghìn tỷ đồng, tổng cộng là 540,64 nghìn tỷ đồng), thì giải ngân đạt 79,75%; tính cả 57,62 nghìn tỷ đồng giải ngân thuộc kế hoạch vốn năm 2020 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021 (80,16 nghìn tỷ đồng), thì giải ngân đạt 78,74% tổng số kế hoạch được thực hiện trong năm 2021...