Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. Theo đó, Ban có những kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành để sớm hoàn thiện thủ tục cho ngày khởi công dự kiến 30/6.
Phê duyệt cấp phép các mỏ vật liệu
Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần 1.1 (hệ thống đường cao tốc, đường song hành, đường đô thị) trước 20/5.
Ban cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nội dung áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của Nghị quyết số 60, Nghị quyết số 133 và Nghị quyết số 106 của Chính phủ. Theo đó, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù với các tỉnh không có dự án đi qua (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) nhưng có các mỏ vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu, có cự ly vận chuyển hợp lý, thuận tiện giao thông phục vụ dự án.
Đồng thời, cho phép nhà đầu tư đối với dự án theo hình thức PPP (dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù như đối với nhà thầu thi công trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành kế hoạch thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, làm cơ sở để tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3, hoàn thành trong tháng 6.
100% mặt bằng sẽ được bàn giao trước 31/12
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, dự kiến bàn giao trên 70% mặt bằng để khởi công dự án vào tháng 6. 100% mặt bằng được bàn giao trước ngày 31/12.
Hiện tại, công tác phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 1.1 và phê duyệt dự án thành phần 3 (dự án PPP) chậm khoảng 3 tháng so với kế hoạch.
Công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành, đường đô thị) cơ bản bám sát theo các mốc thời gian theo tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trước ngày 16/5, tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng để khởi công trong tháng 6.
Vành đai 4 - vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, đoạn qua Hà Nội 58,2 km, đoạn qua Hưng Yên hơn 19 km, đoạn qua Bắc Ninh trên 25 km và tuyến nối dài 9,7 km.
Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó, Hà Nội thực hiện 3 dự án thành phần gồm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP.
Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm 2 dự án thành phần là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.