Dự án 1A dài 8,75 km thuộc Vành đai 3 TP.HCM, nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM). Đoạn qua thành phố dài khoảng 2 km, nằm trên địa bàn TP Thủ Đức với tổng diện tích thu hồi gần 36 ha. Trong đó, 72 hộ và tổ chức bị ảnh hưởng với tổng kinh phí bồi thường gần 1.600 tỷ đồng. Ngày 29/12, hơn 34 ha (chiếm 96%) được giao cho chủ đầu tư, sau 5 tháng triển khai.
Tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá là kỷ lục, bởi công tác này là phần việc khó khăn nhất, tốn nhiều thời gian nhất khi xây dựng các dự án hạ tầng. Ông Bùi Xuân Cường nhận định: “Hồi tháng 9 khi dự án khởi công chỉ mới 30% mặt bằng được giao, nay tăng lên gần 96%”.
Việc bồi thường tại dự án 1A có thuận lợi khi toàn bộ diện tích là đất nông nghiệp. Mặt khác, do giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư được địa phương tính sát giá thị trường nên tỷ lệ người dân đồng thuận giao mặt bằng cao hơn. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn do địa hình phức tạp, một số khu đất chuyển qua nhiều đời chủ, không phải người địa phương khiến việc kiểm đếm, xác minh... tốn nhiều thời gian.
TP Thủ Đức cũng bàn giao gần 96% tổng diện tích dự án. Đây là điều kiện quan trọng để đẩy nhanh tiến độ, giúp công trình hoàn thành cuối năm 2025 theo kế hoạch.
Vành đai 3 TP.HCM dài hơn 76 km chạy qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn lớn gồm Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài 16 km hoàn thành.
Dự án 1A dài 8,75 km thuộc đoạn lớn Tân Vạn - Nhơn Trạch, kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP Thủ Đức). Phần lớn tuyến đường này đi qua Đồng Nai, với chiều dài 6,3 km, còn lại 2,45 km thuộc địa phận TP.HCM. Đoạn qua Đồng Nai chưa được bàn giao mặt bằng.
Năm 2016, dự án được Bộ GTVT phê duyệt với tổng đầu tư gần 5.330 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng do 2 địa phương thực hiện. Khi đó, đoạn qua TP.HCM chỉ gần 149 tỷ đồng và Đồng Nai gần 476 tỷ. Đến nay, sau khi cập nhật, phía TP.HCM tăng lên gần 1.600 tỷ đồng và Đồng Nai khoảng 651 tỷ.
Khởi công cách đây 3 tháng, đến nay dự án đạt khoảng 5% khối lượng, hiện có 7 mũi thi công chính trên công trường. Trong đó, tại hạng mục cầu Nhơn Trạch, nhà thầu đang thi công đại trà cọc khoan nhồi cho các trụ dưới sông và cầu dẫn phía TP.HCM. Bên bờ Đồng Nai, do địa phương chưa giao mặt bằng, chỉ 1 mũi thi công chính được huy động để làm phần cầu dẫn.
Ngoài dự án 1A, phần còn lại chưa khép kín của Vành đai 3 dài hơn 76 km, tổng vốn 75.300 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 là 61.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.300 tỷ đồng, do 4 địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An thực hiện.
Tuyến đường được dự kiến khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau 3 năm. Đây được xem là cung đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế phía Nam.