Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng về “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để lấy ý kiến.
Dự thảo nêu quan điểm phát triển ngành ô tô trên cơ sở “đi tắt đón đầu” các xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ của sản xuất, tiêu dùng, từ sử dụng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe tiết kiệm nhiên liệu, xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác…
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.
Về tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Công Thương cũng thông tin, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.
Cụ thể, theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp cũng nhận định, hiện tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam ở mức 63 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia.
Theo đó, Dự thảo đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 tăng trưởng thị trường xe ô tô bình quân từ 14 - 16%/năm, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1 - 1,1 triệu chiếc; tỉ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, năng lượng mặt trời đạt 350.000 chiếc, xe lắp ráp sản xuất trong nước đạt tốc độ tăng 18 - 20%/năm, sản lượng đạt 600.000 - 700.000 chiếc, lượng tiêu thụ năm 2023 là 302.000 chiếc.
Đến năm 2045, tăng trưởng của thị trường là 11 - 12%, tổng lượng xe đạt 5 - 5,7 triệu chiếc, gồm tỉ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, năng lượng mặt trời, nhiên liệu xanh đạt 4,3 - 4,4 triệu chiếc, chiếm 80 - 85%.
Xe lắp ráp sản xuất trong nước tăng trưởng bình quân là 13 - 14%, sản lượng đạt 4 - 4,6 triệu chiếc, chiếm 80 - 85% nhu cầu nội địa.
Trong khi đó, theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, sản lượng sản xuất hằng năm của toàn ngành đạt khoảng 460.000 sản phẩm.
Trong đó xe con trung bình đạt 200.000 sản phẩm, xe tải và xe khách là 215.000 sản phẩm. Tỉ lệ ô tô trên 1.000 người dân năm của Việt Nam năm 2023 là 63 ô tô/1.000 dân.
Dự thảo cũng đạt ra mục tiêu xuất khẩu đến năm 2030 với phương tiện vận tải, linh kiện và phụ tùng ô tô đạt 14 tỉ USD; năm 2024 đạt 36 tỉ USD.
Đến năm 2030, bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ, đủ khả năng cung ứng 55 - 60% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Đến năm 2045, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 80 - 85% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.