
Chính phủ Ấn Độ cuối ngày 7/3 (giờ địa phương) đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm.
Quyết định trên được đưa ra để ứng phó với tình trạng lượng hàng tồn kho đạt mức cao kỷ lục vào đầu tháng 2, gấp gần 9 lần so với mục tiêu của chính phủ, cũng như nhu cầu quốc tế ngày càng gia tăng, đồng thời báo hiệu sự thay đổi lớn trong chiến lược thương mại và an ninh lương thực của Ấn Độ.
Việc nối lại xuất khẩu gạo 100% tấm của Ấn Độ sẽ cho phép các nước nghèo ở châu Phi đảm bảo nguồn cung ngũ cốc với giá thấp hơn, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và ethanol châu Á phụ thuộc vào loại gạo này.
Tháng 9/2022, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và sau đó áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo khác vào năm 2023 sau khi lượng mưa thấp làm dấy lên lo ngại về sản lượng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình cung ứng được cải thiện sau khi thu hoạch được vụ mùa kỷ lục, Ấn Độ đã dỡ bỏ biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các sản phẩm gạo ngoại trừ loại 100% tấm.
Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo (REA) B.V. Krishna Rao chia sẻ: “Giờ đây, khi xuất khẩu gạo tấm được phép, chúng tôi dự kiến xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn loại này vào năm 2025."
Năm 2022, Ấn Độ đã xuất khẩu 3,9 triệu tấn gạo tấm, chủ yếu sang Trung Quốc để làm thức ăn chăn nuôi và sang các nước châu Phi như Senegal và Djibouti để tiêu dùng.
Ông Himanshu Agrawal - Giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu gạo hàng đầu Satyam Balajee, cho biết gạo tấm của Ấn Độ hiện được chào bán với giá 330 USD/tấn, so với giá khoảng 300 USD/tấn từ các nhà cung cấp khác như Việt Nam, Myanmar và Pakistan.
Tuy nhiên, theo ông, “các quốc gia cạnh tranh này có lượng dự trữ hạn chế. Khi lượng dự trữ của họ cạn kiệt, người mua sẽ chuyển sang Ấn Độ và xuất khẩu sẽ tăng trong những tháng tới."
Dữ liệu được Tổng Công ty Lương thực Ấn Độ (FCI) công bố cho thấy dự trữ gạo trong kho thóc nhà nước Ấn Độ, bao gồm cả lúa chưa xay xát, đạt tổng cộng 67,6 triệu tấn tính đến ngày 1/2, so với mục tiêu 7,6 triệu tấn của chính phủ.