Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa công bố danh sách đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên (số liệu nợ tính đến hết ngày 30/6, cập nhật ủy nhiệm chi đến hết ngày 4/7).
Theo danh sách này, TP.HCM có đến 21.515 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên, tăng thêm 842 doanh nghiệp so với thời điểm ngày 31/5. Trong đó, có những doanh nghiệp nợ số tiền chỉ vài triệu đồng nhưng cũng có những doanh nghiệp nợ số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Các doanh nghiệp nợ bảo hiểm nhiều nhất trên 20 tỷ đồng bao gồm: Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn nợ 35,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nợ 32,6 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Anh ngữ Apax nợ 29,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần TMDV Thiếu nhi mới nợ 29,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Yujin Vina nợ 22,6 tỷ đồng...
Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp rất phức tạp, đã diễn ra nhiều năm. Quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tuân theo nguyên tắc đóng - hưởng. Chính vì thế, khi doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, tất cả các quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động đều bị ảnh hưởng.
Để khắc phục tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, từ năm 2020, đơn vị này đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra đối với 87 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội 185,3 tỷ đồng. Sau đó, đã có 51/87 doanh nghiệp khắc phục với tổng số tiền là 52,1 tỷ đồng.
Cũng theo đơn vị này, việc xử lý chậm nộp bảo hiểm xã hội hiện rất khó khăn. Do tình hình thu hẹp sản xuất, doanh nghiệp khó khăn nên rất khó đòi các khoản chậm nộp.
Thông tin mới đây liên quan đến tình hình lao động, việc làm tại TP.HCM, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM ghi nhận hơn 82.500 người lao động nghỉ việc làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 5.066 người so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vẫn còn gặp khó trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nên giữa doanh nghiệp và người lao động tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc doanh nghiệp không tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó, sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt cần áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như một số quốc gia đã áp dụng hình thức xử phạt là cho dừng hoá đơn, hoãn xuất cảnh với những người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.