Khắc phục tình trạng “càng bán, càng lỗ”
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính cho biết: “Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong việc rà soát lại hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; nâng định mức chi phí có liên quan đến hoạt động thu mua cung ứng xăng dầu, những ngày gần đây, thị trường xăng dầu đã dần trở lại bình thường. Nguồn cung xăng dầu được cải thiện; đồng nghĩa với việc người dân không phải xếp hàng dài, chờ đợi quá lâu như trước”.
Nếu như cách đây 2 tuần, người dân phải chờ đợi từ 30 phút đến cả tiếng đồng hồ mới mua được xăng thì nay chỉ phải chờ vài phút là có thể đổ đầy bình xăng.
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định trong năm 2023, Bộ Công thương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn; phân bổ nhu cầu, nhập khẩu cũng như mua bán xăng dầu cho từng đầu mối theo hàng tháng, quý tại từng địa bàn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho những tháng đầu năm và cho cả năm 2023.
Người dân đổ xăng tại Cửa hàng xăng dầu Bách Khoa, Hà Nội.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết: Thực tế mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam là chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra, thực hiện từ tháng 7, 8 và 9/2022. “Điểm đáng ghi nhận là liên Bộ Tài chính - Công Thương đã nâng chi phí này sớm hơn, điều chỉnh ngay ngày 11/11, thay vì đợi đến ngày 1/1/2023 mới điều chỉnh”.
Cửa hàng xăng dầu Tân Tiến ở Thanh Trì, Hà Nội chỉ có lác đác khách hàng.
Người dân mong mỏi nguồn cung xăng dầu sẽ ổn định trong năm 2023.
Việc điều chỉnh sớm sẽ giúp giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp nhưng theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, quan trọng nhất vẫn là khoản chênh lệch tính vào giá, phụ phí premium khi doanh nghiệp mua trong những hợp đồng tháng 11, 12/2022 không phải là 5 - 6 USD mà là 11 USD nên doanh nghiệp vẫn đang lỗ tương ứng 5 - 6 USD/ thùng. “Đây là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới”, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết.
Tại trung tâm Hà Nội, cây xăng ở phố Trần Hưng Đạo luôn đông khách nhưng khách hàng không phải chờ đợi quá lâu bởi có nhiều nhân viên bán ở các cột xăng.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, mặc dù các khoản chi phí liên quan xăng dầu đã được điều chỉnh, bổ sung trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/11 nhưng mức chiết khấu cho 1 lít xăng dầu tại khu vực I vẫn rất thấp, chỉ vào khoảng 190 đồng, không đủ bù đắp cho chi phí vận chuyển xăng dầu về đến cửa hàng.
Trong khi đó, chi phí kinh doanh xăng dầu gồm nhiều khoản như: Tiền kho bãi, lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, tỷ lệ hao hụt của xăng dầu,... Để bảo đảm hoạt động đối với một cửa hàng bán lẻ, mức chiết khấu tối thiểu phải là khoảng 500 đồng/lít.
Người dân mua xăng dầu tại phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng không phải chờ đợi quá lâu như trước.
Các doanh nghiệp mong muốn cơ quan điều hành cần phải tính đúng, tính đủ để điều chỉnh các chi phí phát sinh trong xây dựng mức giá cơ sở. Bởi những vướng mắc này đang cản trở các doanh nghiệp đầu mối hạn chế nhập khẩu xăng dầu vì “càng bán, càng lỗ” dẫn đến cạn nguồn cung.
Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Đối với các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu: việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh được căn cứ trên cơ sở số liệu thực tế, tính đúng tính đủ theo các báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở đó công bố điều chỉnh theo kỳ công bố đúng với quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Riêng đối với khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã 3 lần công bố điều chỉnh, gần đây nhất là ngày 8/11. Trong thời gian tới, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1085/CT-TTg ngày 11/11/2022, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối định kỳ trước ngày 20 hàng tháng có rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Minh Tiến, Bộ sẽ tiếp tục chủ động, thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 để bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Trên cơ sở đó chú trọng một số vấn đề như cần thiết phải đánh giá kiện toàn hệ thống phân phối xăng dầu để tinh giản chi phí trung gian.
“Các doanh nghiệp đầu mối cần chủ động trong tìm kiếm nguồn hàng, đàm phán để có được mức premium tốt nhất. Như vậy, việc giao kế hoạch cho các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng, tránh bị động”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở rà soát đánh giá chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cho thấy những lô hàng phát sinh từ ngày 01/6/2022 đến 20/10/2022 các đơn vị đa số mua theo hình thức giao ngay, premium mua theo hình thức giao ngay cao hơn so với trường hợp mua theo hợp đồng kỳ hạn.
“Trao đổi với doanh nghiệp, căn cứ kế hoạch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, các doanh nghiệp đã tính toán để cân đối giữa nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu; khi có kế hoạch giao tổng nguồn bổ sung cho một số doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu trong nước các doanh nghiệp phải mua theo hình thức giao ngay để đáp ứng ngay, trường hợp này premium sẽ thường cao hơn các lô có kế hoạch và đã có đàm phán từ trước”, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết. Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm và theo diễn biến giá thế giới.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đề xuất: Cần rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày để phù hợp với phương thức hiện nay mà các doanh nghiệp đầu mối đang mua xăng dầu trên thị trường thế giới.
Đề cập việc cơ quan chức năng đang chuẩn bị các quy trình để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: Việc sửa đổi nghị định có nhiều nội dung song cần quan tâm đến một số vấn đề. Đầu tiên là tổ chức hệ thống phân phối hiện nay vẫn quy định các doanh nghiệp từ đầu mối đến bán lẻ, đến đại lý… nhưng lại gọi là “đồng sở hữu” các cơ sở kinh doanh xăng dầu, rồi đồng sở hữu kho…là không ổn!
Do đó, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, để cải tiến hệ thống phân phối cần bổ sung quy định: Nếu đơn vị nào có đủ điều kiện về cầu cảng về cơ sở hạ tầng về kho bãi, phương tiện vận chuyển, khi đủ điều kiện sẽ kinh doanh và cần hạn chế đến mức thấp nhất chuyện “đồng sở hữu” để hệ thống không có sở hữu chéo, chồng chéo lẫn nhau, gây bất cập cho việc điều hành.
“Về chu kỳ tính giá cũng cần xem xét và tính toán lại. Nếu như giai đoạn này chúng ta chưa có đủ điều kiện làm được như các nước trên thế giới, tức là bám sát theo giá thị trường thế giới và điều hành giá hàng ngày thì nên rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày để phù hợp với phương thức hiện nay mà các doanh nghiệp đầu mối đang mua xăng dầu ở trên thị trường thế giới. Như vậy cũng sẽ phản ánh sát hơn, giảm thiểu sự lệch pha giữa giá thị trường trong nước và thế giới”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh.