Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư từ đầu năm đến 31/3/2023 là hơn 73.192 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 10,35%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%).
Có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30,05%), Điện Biên (24,67%), Đồng Tháp (22,93%), Lâm Đồng (20,78%).
Có 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%, trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Đánh giá về kết quả trên, TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, xét về con số tuyệt đối thì tỷ lệ giải ngân vẫn cao hơn khoảng 11.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, thấp hơn con số 11,88% của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Lý giải nguyên nhân chậm trễ, TS. Thịnh cho biết, hiện nay các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.
Cùng với đó, nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Riêng một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.
TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, ông Thịnh cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan như ở một số bộ ngành và địa phương có tâm lý sợ làm sai nên đối với một công trình dự án, bao giờ cũng phải xin ý kiến nhiều nơi, kéo dài thời gian thực hiện.
“Có nhiều khó khăn dẫn tới giải ngân đầu tư công chậm nhưng nếu nhìn sang các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Tiền Giang, Bến Tre có mức giải ngân tới 30%, cho thấy người đứng đầu rất quan tâm đến quá trình chuẩn bị đầu tư, quá trình kiểm tra giám sát và chỉnh sửa tốt thì tốc độ giải ngân cao. Điều này cho thấy, vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng.”, ông Thịnh nêu rõ.
Cần phải có quyết sách mạnh bạo
Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khi một nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng bị sụt giảm, một biện pháp truyền thống được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới là bơm tiền ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng thông qua thúc đẩy đầu tư công.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI bị suy giảm thì đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được coi là giải pháp cấp bách để chặn đà sụt giảm của tăng trưởng GDP.
Theo tính toán, tại Việt Nam, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06%, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế; trong đó tác động đến thanh khoản với nền kinh tế, đối với các tổ chức tín dụng, đối với tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Tuy vậy, các thủ tục để triển khai giải ngân vốn đầu tư công đang rất phức tạp và tạo ra rào cản lớn khiến các chủ đầu tư không biết nên tiếp tục hay dừng lại hoạt động này.
Để dẫn chứng, ông Cường cho biết, dự án nhỏ ở một tỉnh cũng phải chuẩn bị chủ trương đầu tư để thông qua ở tỉnh, xong xuôi mới trình lên để các bộ, ngành tập hợp báo cáo Quốc hội; sau khi Quốc hội quyết cho ghi danh mục thì mới về tỉnh lập lại hồ sơ, rồi trình ra Bộ Kế hoạch Đầu tư để xem xét, thẩm định nguồn vốn.
Một vòng đi lên để duyệt danh mục mất từ 6 tháng đến một năm, rồi một vòng ngược lại phê duyệt dự án mất cả năm nữa mới bắt đầu đấu thầu, thiết kế dự án, chọn thầu, phê duyệt…
Chưa kể, nếu thiết kế hay định giá có thay đổi thì chủ đầu tư phải làm phương án điều chỉnh và phê duyệt lại từ đầu. Những quy trình hiện nay quá nhiều giai đoạn và cuối cùng là dự án triển khai rất chậm.
"Nếu tuân thủ tục quy định hiện hành thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu đề ra", ông Cường nêu rõ.
Cần xử lý nghiêm đơn vị cố tình làm chậm tiến độ dự án
Theo bà Phí Thị Phương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, ngay từ đầu năm, trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cụ thể:
Ngày 21/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 14/3/2023, Thủ tướng ký quyết thành lập 5 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhanh chóng giải ngân nguồn vốn đầu tư công tại các bộ ngành và địa phương.
Ngày 22/3/2023, Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị 08 về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Phí Thị Phương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, TCTK
Tuy vậy, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt mạnh mẽ từ Chính phủ, bà Nga cho rằng, các quan chức năng cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, triển khai, hoàn thành dự án cũng như quyết toán công trình và đưa vào sử dụng ở tất cả các lĩnh vực.
“Nếu một khâu bị chậm sẽ kéo theo toàn bộ tiến độ dự án bị chậm và giảm tăng trưởng”, bà Nga nêu rõ.
Ngoài ra, các bộ, ngành và chủ tịch UBND cần bám sát đánh giá tình hình, chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và tích cực chủ động trong tháo gỡ khó khăn của các dự án. Đối với khó khăn vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để xem xét và xử lý
“Cần tăng cường kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền kiểm tra, trao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Cần có chế toàn xử lý nghiêm khắc theo quy định với các đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án mà cố tình làm chậm tiến độ dự án, chậm tiến độ giao vốn và thực hiện giải ngân đầu tư”, bà Nga đề xuất.
Cùng với đó, các bộ ngành địa phương cần thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình đảm bảo tiến độ các dự án. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần cập nhật điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đảm bảo đúng quy định là cơ sở điều chỉnh gói thầu tổng mức đầu tư, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư và các nhà thầu.