Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý 1 năm 2023, trong đó cập nhật một số thông tin về hoạt động đầu tư, đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư trong giai đoạn.
Theo GSO, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1 năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 583,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 153 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 328,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,4%, tăng 1,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 101,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,4% và giảm 1,1%.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội
phân theo loại hình kinh tế theo giá hiện hành quý 1 các năm 2019-2023.
Ở phần vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) quý 1 năm 2023 ước đạt 91,5 nghìn tỷ đồng, bằng 13,4% kế hoạch năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước (quý I năm 2022 bằng 12,9% và tăng 12,3%).
Theo phân cấp quản lý, vốn trung ương đạt 17,1 nghìn tỷ đồng, bằng 12,9% kế hoạch năm và tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương đạt 74,4 nghìn tỷ đồng, bằng 13,5% và tăng 15,1%.
Trong phần vốn địa phương, vốn NSNN cấp tỉnh đạt 50,7 nghìn tỷ đồng, bằng 12,7% và tăng 17,6%; vốn NSNN cấp huyện đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15,5% và tăng11,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 3,1 nghìn tỷ đồng, bằng 16,8% và tăng 0,8%.
Tốc độ tăng/giảm vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội
theo giá hiện hành quý 1 các năm giai đoạn 2019-2023
Theo GSO, việc vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý 1 theo giá hiện hành chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như lạm phát trên thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.
Tuy nhiên, vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo báo cáo về phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, kế hoạch đầu tư vốn NSNN được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng. Trong đó, số vốn chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng vốn NSTW.
Căn cứ số vốn 707.044,198 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.
Mới đây, tại Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3, Thủ tướng đã thành lập 5 Tổ công tác chuyên trách do các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc hoạt động giải ngân đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.