Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp kết nối trực tuyến giữa 7 điểm cầu gồm Hoài Đức, Thanh Oai, Sóc Sơn, Thường Tín, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hạ tầng chiến lược phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới. Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, các thiết chế về văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, giáo dục được hình thành và quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Việt Nam đạt được một số dấu mốc quan trọng về phát triển đường cao tốc trong đó khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên 1.729 km. Các dự án đang thi công, với tổng chiều dài 350 km. Từ đầu năm 2023 khởi công các dự án, có tổng chiều dài 1.406 km.
Như vậy, cùng với 1.729 km đưa vào khai thác và tổng chiều dài đường cao tốc của các dự án đang thi công, khởi công đến hết tháng 6 năm 2023 là 1.756 km, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng cả nước có trên 3.000 km vào năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thủ tục để khởi công đúng hẹn. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý ban chỉ đạo dự án phải có quyết tâm lớn để đưa công trình vào vận hành đúng hẹn.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô được áp dụng cơ chế đặc thù như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, theo đó giao các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án, áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác, cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái sang) phát lệnh khởi công đường Vành đai 4 vùng Thủ đô
Biểu dương sự nỗ lực của địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý việc khởi công đúng hẹn mới là thắng lợi bước đầu. Công việc tiếp theo còn lớn, cần bám sát tiến độ, phân cấp, rà soát công việc để bố trí thời gian, nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án. Hiện nay, các địa phương còn 20% khối lượng giải phóng mặt bằng, chủ yếu là các diện tích dân cư. Thủ tướng dẫn kinh nghiệm cho thấy phần giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều, nhưng sẽ là phần khó hoàn thành hơn. Do đó, địa phương cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc.
Để triển khai thành công dự án, Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ sắp tới gồm dảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn, chống tham nhũng, chống đội vốn, chia nhỏ gói thầu, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó đoạn qua Hà Nội 58,2 km, đoạn qua Hưng Yên hơn 19 km, đoạn qua Bắc Ninh trên 25 km và tuyến nối dài 9,7 km. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó Hà Nội thực hiện 3 dự án thành phần gồm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP.
Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm 2 dự án thành phần là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.