Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thuế, số thu từ thuế thu nhập cá nhân cùng với 4 khoản thu, sắc thuế khác vào ngân sách nhà nước đã "cán đích", vượt qua dự toán thu của cả năm 2022 chỉ sau 9 tháng.
Báo cáo của ngành thuế ghi nhận, lũy kế 9 tháng đầu năm thu ngân sách của ngành ước đạt 1.102.931 tỷ đồng, bằng 93,9% dự toán pháp lệnh, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong giai đoạn, đã có 17/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 75%). Trong đó, một số khoản thu lớn như: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 83,3%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 77,7%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 87,2%; thu từ xổ số ước đạt 84%; thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại ước đạt 80,2%...
Đáng chú ý, tới hết quý 3 đã có 5 khoản thu, sắc thuế "cán đích", vượt qua dự toán thu ngân sách cả năm là: Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 108,8%; thu lệ phí trước bạ ước đạt 103,8%; thu tiền cho thuê đất ước đạt 107,4%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 121,2%; cuối cùng là thu khác ngân sách đạt 115,6%.
Với khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN), chỉ trong quý 1, số thu đã đạt 50,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, hoàn thành 43% kế hoạch cả năm. Theo Tổng cục Thuế, nguồn thu này tăng nhanh bởi số thu từ thuế TNCN của người làm công ăn lương, người kinh doanh, cá nhân đầu tư chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản...
Tới thống kê bán niên, sắc thuế này đã đạt trên 88 nghìn tỷ đồng, bằng 74,5% dự toán, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Đến hết tháng 8, số thu này tiếp tục ước đạt 116 nghìn tỷ đồng, bằng 98,9% dự toán.
Không ngoài dự tính, tới hết quý 3, thống kê mới nhất của Tổng cục Thuế ghi nhận, số thu từ thuế TNCN vào ngân sách đã hoàn thành 108,8% dự toán năm, ứng với khoảng gần 128,5 nghìn tỷ đồng, vượt qua số thu ước tính của cả năm 2021 là 123 nghìn tỷ đồng - năm từng đạt mức cao kỷ lục với sắc thuế này.
Nguồn: Theo Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kêMỨC GIẢM TRỪ GIA CẢNH LỖI THỜI: VẪN CHỈ DỪNG LẠI Ở "XEM XÉT SỬA ĐỔI"
Như người viết từng đề cập, nhìn lại dữ liệu thống kê, trong hơn chục năm qua, lượng thuế TNCN đóng góp vào ngân sách đã liên tục gia tăng và trở thành một khoản thu quan trọng trong cơ cấu.
Bộ Tài chính cũng từng đánh giá, số thu từ thuế TNCN đã không ngừng gia tăng trong các năm qua. Nếu như trước kia, cơ cấu thu ngân sách của sắc thuế này chỉ chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn thì nay này đã tăng lên tới mức thuộc nhóm có đóng góp khá.
Theo đó, trong hơn 1 thập kỷ qua, nguồn thu này đã liên tục có mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Từ mức chỉ gần 5.180 tỷ năm 2006 đã tăng hơn 20 lần, lên 108.000 tỷ năm 2020; khoảng 123.000 tỷ đồng năm 2021 và chỉ sau 9 tháng của năm 2022, số thu đã vượt qua cả con số kỷ lục của năm liền kề.
Về cơ cấu, tỷ trọng đóng góp trong tổng thu ngân sách của thuế thu nhập cá nhân cũng đã tăng trên 5 lần trong khoảng 15 năm, từ 1,85% vào năm 2006 lên mức khoảng 9,5% theo số liệu ước tính của năm 2021.
Đáng chú ý, qua các dữ liệu được ngành thuế công bố gần đây, trong cơ cấu thu của sắc thuế này, phần thuế thu nhập cá nhân từ nguồn của những người làm công ăn lương chiếm tỷ trọng tới khoảng 75%, hoàn toàn áp đảo so với số thu thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản hay chứng khoán.
Và câu chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm ở đây là: Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, thu nhập, sức mua của người dân bị ảnh hưởng, đời sống khó khăn, nhất là trong và sau giai đoạn 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19, đề xuất sửa đổi luật thuế, giảm thuế TNCN - trong đó có đối tượng người làm công, ăn lương đã nhiều lần bị gác lại, tạm dừng ở "xem xét, nghiên cứu".
Đáng lưu tâm là bởi, những phản hồi trái chiều của giới hữu quan, chuyên gia liên tục xuất hiện dù không lâu trước đó - vào đầu tháng 6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Sự thay đổi phần khấu trừ thuế TNCN hàng tháng trước và sau khi có thay đổi mức giảm trừ gia cảnh (từ 2020 về sau).Thậm chí, trung tuần tháng 8/2021, khi tác động của đại dịch còn nặng nề, dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 đã từng bị tố là "bỏ rơi" người làm công ăn lương do không có đề xuất giảm thuế TNCN cho đối tượng này.
Tới thời điểm đầu tháng 3/2022, Bộ Tài chính khi đó cho biết đang lấy ý kiến góp ý sửa Luật thuế TNCN, để sắc thuế này bớt phức tạp và bất cập. Tuy nhiên, tới nay sau hơn 6 tháng vẫn chưa có thêm tiến triển được công bố.
Và mới nhất, vào cuối tháng 9, khi cử tri một số tỉnh kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Bộ Tài chính cũng chỉ tiếp tục lặp lại thông tin: "Hiện đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế Thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp".
Theo Tổng cục Thuế, Việt Nam hiện có trên 50 triệu người trong diện nộp thuế TNCN. Mức thuế TNCN tại Việt Nam đang theo bậc lũy tiến 7 cấp, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35%.
Dù đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh vào đầu tháng 6/2020 cho cả người nộp thuế và người phụ thuộc - Tuy nhiên các chuyên gia vẫn liên tục lên tiếng về tính bất cập của quy định hiện tại với sắc thuế này.
Trong đó, các chuyên gia khẳng định, biểu thuế lũy tiến 7 bậc hiện quá dày - gần gấp đôi thuế suất thu nhập doanh nghiệp. Còn mức giảm trừ gia cảnh dù tăng nhưng vẫn chậm, quá lạc hậu so với diễn biến của giá cả thực tế.
Bên cạnh đó, có luồng ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11, 15 hay 20 triệu chưa phải điểm quan trọng nhất. Vấn đề đặt ra là phải hạn chế tối đa việc trốn thuế và đảm bảo được cách tính, cách thu hợp lý để mở rộng nguồn thu.