Theo số liệu FDI mới công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/05/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 7,56 tỷ USD, tuy vẫn giảm 0,8% so với cùng kỳ, nhưng mức giảm đã cải thiện so với các thời điểm đầu năm.
Cụ thể, trong giai đoạn, có 962 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 66,4% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ.
Có 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 22,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,28 tỷ USD, giảm 59,4% so với cùng kỳ.
Đồng thời, có 1.278 giao dịch GVMCP của NĐTNN, giảm 5,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67,2%.
Trong đó, vốn đầu tư thông qua GVMCP tiếp tục tăng so với cùng kỳ chủ yếu là nhờ dự án mua cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản tại VPBank, với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,5 tỷ USD.
Cơ cấu đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm 2023 theo thành phần vốn đầu tư.Vẫn thiếu vắng các nhà đầu tư tầm cỡ
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư cho thấy các NĐTNN quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm tới môi trường đầu tư của Việt Nam.
Tuy nhiên, các tập đoàn lớn hiện vẫn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Việc số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ) tiếp tục khẳng định niềm tin của các NĐTNN vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Vì vậy, họ tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Một sự cải thiện rõ ràng khác là vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Có mức tăng mạnh này chủ yếu là nhờ dự án mua cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản tại VPBank, với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,5 tỷ USD.
Đầu tư vào bất động sản giảm hơn 61%
Xét theo lĩnh vực đầu tư, các NĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Kế đến là ngành tài chính, ngân hàng với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ.
Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ lần lượt xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 1,16 tỷ USD (giảm 61,3%) và gần 481 triệu USD (tăng 28,3%)...
Nếu xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tiếp tục là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 29,5%) và điều chỉnh vốn (chiếm 55,1%). Trong khi đó, bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 41,3%).
Về đối tác đầu tư, trong giai đoạn đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 14,3% so với cùng kỳ 2022.
Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,1 tỷ USD, chiếm gần 19,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,61 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 41,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc...
Dù thứ hạng của Hàn Quốc sụt giảm, song nếu xét về số dự án, Hàn Quốc hiện vẫn đang dẫn đầu, cả về số dự án mới (chiếm 17,4%); số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và GVMCP (chiếm 28,5%).
Cơ cấu thu hút vốn FDI 5 tháng đầu năm 2023 theo đối tác.
Vốn ngoại vào Thủ đô tăng mạnh
Về địa bàn đầu tư, các NĐTNN đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng thêm 4 tỉnh so với thống kê ở tháng liền kề.
Trong đó, Hà Nội đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Bắc Giang là địa phương xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,…
Bên cạnh đó, nếu xét về số dự án, TP.HCM hiện vẫn là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38,9%), số lượt dự án điều chỉnh (24,9%) và góp vốn mua cổ phần (65,4%).