Thiếu vốn, dự án nhiệt điện hàng chục nghìn tỷ bỏ không hơn 10 năm

Sau gần 12 năm, dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chỉ hoàn thành san lấp phần mặt bằng chính với diện tích gần 62ha, xây dựng tường rào bảo vệ và nhà điều hành tạm phục vụ thi công dự án.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh nằm trên địa bàn xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, có tổng mức đầu tư 21.691 tỷ đồng, nhưng sau hơn 10 năm từ ngày khởi công, nơi đây vẫn đang là một khu đất rộng lớn bỏ không, tiến độ triển khai dự án vẫn mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng phần tường rào và cổng chính.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh do Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh làm chủ đầu tư nằm trên địa bàn xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn, thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 4/11/2010 và đến tháng 3/2011 bắt đầu khởi công xây dựng.

Theo thiết kế, Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh có công suất 600MW, bao gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ 300MW.

Dự kiến khi đưa vào khai thác, nhà máy sẽ cung cấp 3,9 tỷ kWh điện mỗi năm, trước mắt cung cấp điện cho Nhà máy ximăng Công Thanh và Khu công nghiệp Nghi Sơn nằm trong quy hoạch phát triển trung tâm.

Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn, kế hoạch đến đầu năm 2014 sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1, quý 3/2014 hoàn thành toàn bộ nhà máy.

Tuy nhiên, dự án này không được thực hiện như tiến độ đề ra, sau khi vỡ kế hoạch, dự án được điều chỉnh lần 2, lùi thời gian hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục và khởi công xây dựng trong tháng 6/2018; thời gian đưa nhà máy vào vận hành sẽ lùi vào tháng 11/2020 và đưa vào vận hành thương mại tháng 12/2020.

Địa phương đã nỗ lực hết sức cùng các doanh nghiệp giải quyết khó khăn và hoàn tất các phần việc như giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ đề ra.

Dự án cũng đã có quyết định cấp đất, hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng…

Như vậy, sau gần 12 năm kể từ ngày khởi công, dự án chỉ hoàn thành san lấp phần mặt bằng chính nhà máy với diện tích gần 62ha; 10ha mặt bằng tuyến băng tải than và tuyến cấp nước làm mát; triển khai xây dựng khoảng 1.000m tường rào bảo vệ nhà máy, xây dựng cổng và nhà điều hành tạm phục vụ thi công dự án.

Quảng cáo

Do thời gian triển khai dự án quá lâu, người dân và chính quyền nơi đây đã bắt đầu từ trạng thái hào hứng và phấn khởi với hy vọng nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho phần lớn lao động bị ảnh hưởng bởi dự án, đã chuyển sang trạng thái thất vọng và buông xuôi khi dự án mãi chưa được thực hiện.

Là một hộ dân có đất nằm trong khu vực thực hiện dự án, hơn 10 năm về trước, gia đình ông Trần Văn Dũng (xã Hải Yến, Thị xã Nghi Sơn) đã nhường lại mảnh đất của cha ông, chuyển nhà lên khu tái định cư mới để chủ đầu tư thực hiện dự án.

ttxvndu-an-nhiet-dien-cong-thanh-2-8496.jpg

Sau 12 năm, dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh vẫn chỉ là khu đất bỏ không. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Ông Trần Văn Dũng mong muốn: "Việc thu hồi đất của dân đã diễn ra hơn 10 năm nhưng tới nay, nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động. Nguyện vọng của người dân chúng tôi là nhà máy đi vào hoạt động để dân có việc làm, ổn định đời sống, có thu nhập cho gia đình."

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn cho biết: "Chính quyền địa phương và người dân chỉ mong muốn dự án sớm được xây dựng với tinh thần làm sao có thể hòa chung với lưới điện quốc gia, làm sao đó để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa."

Theo tìm hiểu của phóng viên, do gặp khó khăn về vốn, không thu xếp được vốn nên chủ đầu tư Dự án nhiệt điện Công Thanh đã đề nghị với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa để được chuyển đổi Dự án từ công nghệ nhiệt điện than sang công nghệ nhiệt điện khí (LNG) với công suất 3.000 MW; trong đó, quy mô đầu tư giai đoạn 1 (2025-2030) là 1.500 MW.

Ông Nguyễn Văn Bích, Phó giám đốc Ban giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, khẳng định: "Dự án này lớn, liên quan đến Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhiều thủ tục phải có sự phê duyệt của Chính phủ. Việc khó khăn về vốn và nhà đầu tư xin điều chỉnh được chuyển đổi công nghệ từ nhiên liệu than sang nhiên liệu khí cũng làm chậm tiến độ thực hiện dự án."

Sau khi rà soát các dự án điện than theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết cả nước có 5 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 6.800MW đang gặp khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn; trong đó có Dự án nhiệt điện Công Thanh.

Việc chuyển đổi dự án sang sử dụng LNG của Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh sẽ được các bộ, ngành liên quan xem xét trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Theo Vietnam+ Sao chép

Cùng chuyên mục Thị trường 3

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq nối dài chuỗi kỷ lục

Tại thị trường chứng khoán Phố Wall, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục phiên thứ năm liên tiếp trong phiên 9/7, trong khi chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục phiên thứ sáu liên tiếp.

S&P 500 và Nasdaq đồng loạt tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau báo cáo CPI thấp hơn dự kiến Cổ phiếu Nvidia đảo chiều giúp chỉ số Nasdaq thoát khỏi sắc đỏ

Người mua chờ đợi điều gì từ nay đến cuối năm?

Cuối năm 2024, nhiều dự đoán tích cực về thị trường bất động sản đang tạo tâm lý phấn khởi cho người mua nhà. Song, việc “cân đo đong đếm” giữa các yếu tố khiến không ít người người “gác” chuyện mua nhà sang thời điểm cuối năm 2024.

Nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản 2,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm Chung cư là phân khúc 'nóng' nhất thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm

Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất vào Mỹ

Top 5 thị trường xuất khẩu hạt tiêu chủ lực có đến 4 thị trường tăng trưởng mạnh về khối lượng và trị giá, chỉ riêng thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là giảm lượng nhập khẩu.

Thêm vụ nghi lừa đảo khi xuất khẩu hồ tiêu và nhân điều sang thị trường Dubai-UAE Diện tích ngày một giảm, đe dọa vị trí nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới của Việt Nam

Nghịch lý ngành phân bón: Sản xuất dư thừa, nhập siêu vẫn tăng mạnh

Năng lực sản xuất ure của 4 nhà máy trong nước là: Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình và Hà Bắc khoảng 3 triệu tấn. Nhu cầu ure cho sản xuất nông nghiệp trong nước từ 1,6 – 1,8 triệu tấn/năm. Sản xuất dư thừa doanh nghiệp phải đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho, trong khi đó nhập khẩu ure vẫn tăng.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau: Cung ứng tối đa nội địa, hướng mạnh xuất khẩu Phân bón Cà Mau ký hợp tác với Tập đoàn Yetak, đẩy mạnh thị phần tại Campuchia