Những ngày cuối tháng 11/2022, theo chân một nhóm nhà đầu tư đi “săn hàng ngộp” tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Khi thắc mắc với nhóm đầu tư “hàng ngộp” là như thế nào? Một nhà đầu tư tận tình chia sẻ đây là cách giới đầu tư nói về bất động sản bị bán tháo mỗi khi thị trường gặp khó khăn.
Trong vòng 2-3 tháng trở lại đây, đặc biệt 2-3 tuần gần đây, số lượng “hàng ngột” rao bán tăng rõ rệt. Thực tế, đến thời điểm này, nhiều nhà đầu tư nợ ngân hàng và không trông chờ vào được khoản nào nên đành phải bán nhà, đất với giá “mềm” hơn so với giá thị trường.
Chính vì thế, với những nhà đầu tư đang nắm trong tay tiền mặt lớn thì đây là “mùa đi săn” lý tưởng để có những sản phẩm tốt, giá hợp lý. Thế nhưng, nhóm nhà đầu tư đi “săn” khẳng định rằng, để “săn” được “hàng ngộp” không phải là điều dễ dàng.
Bởi, thực tế, số lượng hàng này rất ít. Chỉ những người thực sự kẹt tiền, không thể xoay xở, vay mượn nguồn nào nên họ mới chấp nhận bán với giá thấp hơn thị trường từ 5-10%. Gặp phải hàng như vậy thì phải mua nhanh không sẽ có người khác nhảy vào.
Anh Văn Lộc - một nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ về một phi vụ “săn hàng ngộp”, hồi giữa tháng 10, chủ một căn nhà có diện tích 37m2 trên đường Cầu Giấy (phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) do làm ăn khó khăn cần tiền nên bán gấp căn nhà. Lúc đầu, chủ nhà đưa ra với giá 160 triệu đồng/m2, tổng giá căn nhà gần 6 tỷ đồng nhưng rao bán mãi không được. Sau đó, chủ nhà đành giảm xuống 10 giá còn 150 triệu đồng/m2 thì bán được luôn.
“Căn này không phải do tôi mua mà một người anh trong nhóm mua được. Đến khi mua xong, tìm hiểu ra mới biết, chủ nhà mua từ năm 2008 - đúng vào thời điểm sốt đất với giá 8 tỷ đồng. Sau đó, thị trường đóng băng, người chủ cho thuê bao năm nay chờ ngày thị trường lên để bán. Thế nhưng, cơn sốt nhà đất quay trở lại, người chủ cũng không tìm được khách mua với mức giá mua vào đỉnh điểm của cơn sốt trước. Giờ thì quá kẹt tiền nên họ đành bán với mức giá đó. Hiếm lắm mới có “hàng ngộp” như thế này”, anh Lộc chia sẻ.
Đúng là trường hợp giảm sâu như trên khá hiếm nhưng số lượng hàng với mức giảm 5-10% so với giá thị trường đang ngày gia tăng. Mới nhất, một căn nhà ở Tây Mỗ lúc đầu rao bán giá 3,5 tỷ đồng không có người mua nhưng ngay sau khi giảm 300 triệu đồng còn 3,2 tỷ đồng thì đã có người xuống tiền đặt cọc.
Theo chia sẻ của một môi giới nhà thổ cư Hà Nội, từ khi đất nền tỉnh trầm lắng, nhà đầu tư đổ về trung tâm. Phân khúc nhà liền thổ được cả người mua ở thực và nhà đầu tư quan tâm. Giữa lúc thị trường khó khăn, có những nhà đầu tư kẹt vốn phải tái cơ cấu danh mục đầu tư thì lại cơ hội của những người có nguồn tài chính dư dả. Nhiều người xem đây là thời điểm đi gom hàng tốt giá rẻ.
Dưới góc nhìn của giới chuyên gia, hiện nay tâm lý nhà đầu tư đã có sự thay đổi, không còn mạo hiểm chạy theo những cuộc đua lướt sóng đầu cơ, dòng tiền giờ đây đã quay trở về dòng bất động sản phòng thủ, có tính an toàn cao.
Giới chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, hiện nhà đầu tư nào có tài chính tốt thì đây là cơ hội sở hữu bất động sản giá tốt, “săn hàng ngộp”. Tuy nhiên, trước khi quyết định “xuống tiền” cần đánh giá nhu cầu, lựa chọn sản phẩm thực sự phù hợp với khả năng tài chính, tập trung vào giá trị gia tăng thay vì tốc độ tăng giá.