Trong tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023 vừa công bố, CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng, giảm 13,5% so với năm 2022 và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 400 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ trước thuế 107 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Kế hoạch này được đặt ra trên cơ sở tổng sản lượng ước tính đạt 940.000 tấn.
Hội đồng quản trị (HĐQT) Thép Nam Kim đánh giá, năm 2023 là thời điểm để củng cố lại các mối quan hệ đối với đối tác trong và ngoài nước cũng như ổn định tình hình tài chính. Trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn trong quá khứ, HĐQT Thép Nam Kim cho rằng thị trường năm nay sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng nhưng những gì khó khăn nhất đã qua.
Còn theo ban điều hành công ty, năm 2023 vẫn sẽ là một năm cực kỳ nhiều thách thức, những biến động giá nguyên liệu đầu vào, chất đốt... vẫn rất khó lường; rủi ro về lạm phát tăng cao, khiến nhu cầu về xây dựng suy giảm. Kinh tế thế giới đối diện với khủng hoảng khi lãi suất tăng cao, các dự án triển khai ngày một ít đi trong khi chi phí lãi vay toàn cầu tăng mạnh. Trong khi đó, mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, đặc biệt là các sản phẩm về tôn mạ và ống thép.
Về thị trường nội địa sẽ khó khởi sắc khi các dự án bất động sản năm 2023 dự kiến tiếp tục chìm trong khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Ngoài ra, nguồn vốn FDI cũng sẽ dự kiến tăng trưởng chậm hơn dự kiến do ảnh hưởng của việc mất giá tiền tệ diễn ra trên toàn cầu.
Do đó, để thực hiện được kế hoạch năm 2023, ban điều hành Nam Kim đề ra định hướng chiến lược là "ổn định sản xuất, cạnh tranh bằng sự khác biệt" thông qua tối ưu hóa các dây chuyền sản xuất, hướng đến công suất trên 1,2 triệu tấn/năm; tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mạ màu và hợp kim; hạ tỷ lệ hàng tồn kho, giảm chi phí lãi vay,...
Cũng tại ĐHĐCĐ tới, HĐQT Thép Nam Kim dự kiến trình cổ đông phương án không trả cổ tức năm 2022 do lợi nhuận sau thuế là âm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, năm 2022 Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần đạt 23.071 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế âm gần 125 tỷ đồng chủ yếu do dự phòng hàng tồn kho.
Trước Thép Nam Kim, một doanh nghiệp khác trong ngành thép là CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng nhận định ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát đánh giá, năm 2022 ngành thép đã trải qua chu kỳ suy thoái, không ngờ xấu hơn cả dự đoán.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng hiện tại, ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nội lực của Hòa Phát nói riêng và ngành thép nói chung vẫn tốt nhưng phụ thuộc vào cầu. Hiện triển vọng của ngành vẫn tốt nhưng nhu cầu thị trường đang thấp quá. Ông Long mong đầu tư công sẽ được đẩy mạnh và những khó khăn của ngành bất động sản sớm được tháo gỡ để ngành thép sớm phục hồi.
Dù trong những tháng đầu năm do nhu cầu toàn thị trường thấp, nên kết quả kinh doanh tháng 1 và 2 của Hòa Phát vẫn ghi nhận lỗ nhưng ông Long cho biết mức lỗ này vẫn thấp hơn so với kế hoạch đã đề ra. Trong tháng 3, nhờ giá bán thép tăng nên kết quả đã cải thiện.
Với dự báo ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn, năm 2023, Hòa Phát đặt kế hoạch đạt doanh thu dự kiến 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2022 và kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm ngoái.
Trong khi đó, Hoa Sen Group (HSG) lại thận trọng hơn với 2 phương án kinh doanh năm 2023. Phương án thứ nhất đạt doanh thu 34.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ, lần lượt giảm 32% và 60% so với niên độ trước. Phương án thứ hai doanh thu 36.000 tỷ (giảm 28%) và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng (tăng 20% so với niên độ trước).