Thời gian qua, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều lợi ích với doanh nghiệp qua việc vận dụng sản xuất kinh doanh, nâng cao sức mạnh và năng lực sản xuất để hàng Việt cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng đó, có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp để tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Để nâng cao vị thế hàng Việt thông qua FTA, các doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận tiêu chuẩn, cũng như cập nhật kịp thời xu hướng tiêu dùng để có kế hoạch chủ động cải thiện quy trình sản xuất phù hợp.
Mặt khác, doanh nghiệp đã chú trọng phát triển thương hiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng thông qua sự đa dạng trong nội dung và hình thức thông tin, truyền thông từng bước xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho rằng, tới đây, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản.
Hơn nữa, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng các mô hình thành công để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, doanh nghiệp chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất.
Qua đó, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm để khẳng định vị thế hàng Việt để chiếm lĩnh vị thế sân nhà.