Nhân viên sắp mất việc tại Thung lũng Silicon đổ xô bán cổ phần trong các startup công nghệ

Định giá các công ty khởi nghiệp đang càng thêm phần eo óp trước làn sóng bán tháo cổ phần.

Nhân viên Thung lũng Silicon đang đổ xô bán cổ phần trong các startup công nghệ sau làn sóng cắt giảm việc làm lớn chưa từng thấy, qua đó càng khiến định giá các công ty khởi nghiệp thêm eo óp.

Theo FT, nhân viên các công ty công nghệ gặp khó đang tràn ngập thị trường thứ cấp, trong bối cảnh một loạt các “con cưng” toàn ngành như Klarna và Stripe buộc phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Việc cổ phiếu của các nhân sự mất việc sẽ bị chuyển nhượng trong vòng 60 ngày khiến họ vội thực hiện hành động bán tháo trong thời kỳ suy thoái tồi tệ.

“Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều những người bị sa thải đang cố gắng bán cổ phiếu”, Greg Martin, Giám đốc điều hành của Rainmaker Securities, công ty chuyên hỗ trợ các giao dịch chứng khoán tư nhân, cho biết. “Nói chung, giá đang giảm từ 30-80% so với một năm trước”.

Điều này khiến việc định giá các công ty non trẻ ngày càng trở nên khó khăn, nhất là trong bối cảnh lãi suất đi lên còn thị hiếu đối với các cổ phiếu công nghệ chập chững. Những công ty mới thành lập lại càng khó định giá. Hầu hết đều tránh huy động vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm trong năm nay vì không muốn bị định giá thấp.

Các doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD như Klarna, Chime và Stripe, tập đoàn thương mại điện tử Instacart và tập đoàn giao hàng tự động Nuro, đã cắt giảm 10 đến 30% nhân sự chỉ trong 2 tháng. Động thái trên được đưa ra sau quyết định cắt giảm loạt nhân sự của các gã khổng lồ, từ Meta đến Amazon.

Dữ liệu từ Rainmaker cho thấy cổ phiếu của Anduril, cổ phiếu một công ty trí tuệ nhân tạo quốc phòng được hỗ trợ bởi Quỹ sáng lập Peter Thiel và Andreessen Horowitz chỉ được giao dịch ở mức 16,95 USD/cổ phiếu trên thị trường thứ cấp vào tháng 11. Con số này giảm từ mức 31,50 USD hồi tháng 3. Cổ phiếu của Chime Bank do SoftBank hậu thuẫn, vốn được định giá 25 tỷ USD vào tháng 8/ 2021, cũng mất 1/4 giá trị trên thị trường thứ cấp và hiện chỉ được giao dịch ở mức 60 USD/cổ phiếu.

1200x-1-2022-12-29t142808516-7229.jpg

Nhân viên sắp mất việc tại Thung lũng Silicon đổ xô bán cổ phần trong các startup công nghệ

“Số lượng người bán nhiều hơn. Điều này đang đẩy giá xuống thấp”, Martin của Rainmaker cho biết, đồng thời nhấn mạnh những giao dịch kiểu như này giúp định giá một số công ty trở về đúng giá trị vốn có sau khi bùng nổ đáng kể vào năm 2021.

Quảng cáo

Theo Kevin Swan, một chuyên gia thị trường, các công ty đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong năm nay đang vội tìm cách bán cổ phiếu trên thị trường thứ cấp. Họ đang chịu rất nhiều áp lực từ nhân viên và nhà đầu tư sau những lời hứa hẹn ra mắt thị trường chứng khoán.

“Nhu cầu của người mua sẽ tăng lên khi các công ty sắp IPO. Tuy nhiên, điều đó đang không xảy ra”, Kernick, lãnh đạo Kroll tại Thung lũng Silicon, nói.

Được biết, giá cổ phiếu công nghệ đã giảm đáng kể vào năm 2022 sau những biến động trên thị trường kinh tế toàn cầu. Những gã khổng lồ công nghệ, vốn đã phát triển với tốc độ chóng mặt trong thập kỷ qua, cũng buộc phải ngừng tuyển dụng và sa thải nhân sự hàng loạt. Điều này khiến các ông trùm công nghệ “đánh rơi” hơn 433 tỷ USD, trong đó, Elon Musk mất tới 1 nửa khối tài sản khổng lồ.

Các cổ phiếu công nghệ riêng lẻ ghi nhận đà sụt giảm lớn khi hàng trăm tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chỉ trong vài giờ ngắn ngủi. Ví dụ điển hình nhất là Snap khi cổ phiếu công ty công nghệ này lao dốc kỷ lục tới 43% chỉ sau 1 phiên giao dịch duy nhất. Công ty fintech Affirm Holdings hay Coinbase Global cũng mất hơn nửa giá trị vốn hóa từ đầu năm 2022.

FAANG, bộ ngũ quyền lực của chứng khoán Mỹ, bao gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet cũng không ngoại lệ. Đà sụt giảm đã rơi ở mức 2 con số, thậm chí sâu hơn cả rổ chỉ số S&P 500.

1200x-1-2022-12-29t142816464-7623.jpg

Cổ phiếu công nghệ đã giảm đáng kể vào năm 2022 sau những biến động trên thị trường kinh tế toàn cầu.

Phía các nhà đầu tư theo đó phải suy xét lại chiến lược trong dài hạn. “Khi bong bóng vỡ, cổ phiếu sẽ không giảm xuống mức giá hợp lý đâu. Chúng sẽ có xu hướng tệ hơn nhiều”, Ben Inker, chuyên gia tại GMO ở Boston cho biết.

Dù còn tồn tại nhiều bất lợi, song một số nhà đầu tư và chuyên gia phân tích vẫn nhận định rằng, kỷ nguyên thống trị của giới công nghệ vẫn chưa kết thúc. Một số tín hiệu đảo chiều cho thấy khoảng thời gian đen tối của lĩnh vực này có thể sắp qua đi, theo Jay Kaeppel, một nhà phân tích tại Sundial Capital Research.

“Mọi thứ không đi lên theo chiều thẳng đứng. Bạn không thể chỉ mua độc các mã công nghệ. Hãy đa dạng hóa danh mục”, ông David Eiswert, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư tại T.Rowe Price nhận định.

Theo Markettimes Sao chép