Chia sẻ với báo chí, ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định chỉ cho thuê đất và thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với các dự án: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp công nghệ cao, khu lâm nghiệp công nghệ cao; công trình công cộng, thương mại dịch vụ… còn các dự án sản xuất kinh doanh khác chỉ được thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Điều này sẽ dẫn đến việc rất nhiều doanh nghiệp sử dụng đất sản xuất kinh doanh, đền bù đất cho dân nhưng không thể tiếp cận vốn ngân hàng thông qua thế chấp quyền sử dụng đất.
“Việc hạn chế thu tiền thuê đất một lần nhằm đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách quốc gia, tuy nhiên, nên có cách giải quyết phù hợp đối với doanh nghiệp đã bỏ tiền ra để đền bù đất nhưng không thể tiếp cận tín dụng”, ông Tín bày tỏ.
Đồng thời đề nghị, bổ sung thêm trường hợp nếu doanh nghiệp được Nhà nước cho phép trả tiền sử dụng đất 1 năm nhưng chấp nhận trả tiền sử dụng đất một lần cho giai đoạn 5 năm được phép thế chấp quyền sử dụng đất để tiếp cận tín dụng, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Còn theo đại diện Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), Điều 203 Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định chủ đầu tư khu công nghiệp có trách nhiệm dành quỹ đất công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để cho thuê lại đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, lại chưa có định nghĩa về doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường.
Do đó, vị đại diện VSIP đề xuất bổ sung định nghĩa về doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường, hoặc dẫn chiếu đến các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, cần làm rõ tỷ lệ diện tích đất dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường.
Về nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), góp ý liên quan đến Điều 126 quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất, bình luận với MarketTimes, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, trên thực tế hiện nay, vẫn có các nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại tự thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Việc này dễ dẫn đến tình trạng không thể triển khai thực hiện dự án, bị chôn vốn nên đa số nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đều mong muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để có ngay quỹ đất sạch thực hiện dự án.
“Mục đích đấu giá là để lựa chọn nhà đầu tư trả giá cao nhất, còn mục đích đấu thầu là để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực nhất, dự án có chất lượng tốt nhất và có cam kết nghĩa vụ tài chính với Nhà nước cao nhất”, ông Châu nhận định.
Từ những lập luận trên, ông Châu kiến nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định không đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với đất chưa giải phóng mặt bằng, mà chỉ đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với đất đã giải phóng mặt bằng để tránh xảy ra xung đột lợi ích giữa cơ quan Nhà nước với người có đất bị thu hồi sau khi đã lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Đồng thời, cần bổ sung thêm các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất để thực hiện các dự án thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, du lịch, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Chủ tịch HoREA cũng đề nghị HĐND cấp tỉnh chỉ quy định các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và UBND cấp tỉnh quyết định dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng đề xuất, cần rà soát và xem xét kỹ lưỡng các quy định liên quan đến định giá đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, trưng dụng đất; hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;...
Được biết, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 Chương, 265 Điều. So với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Dự thảo Luật (sửa đổi) hiện đã bỏ 4 Điều, bổ sung 6 Điều, sửa đổi 229 Điều.