Ngày 24/7/2023, GIMO - một startup cung cấp giải pháp nhận lương linh hoạt tại Việt Nam công bố vừa chính thức hoàn tất vòng gọi vốn Series A, với tổng số vốn huy động lên tới 17,1 triệu USD (hơn 401 tỷ đồng).
Theo đó, vòng gọi vốn lần này đã bao gồm vốn cổ phần và phần vốn vay là 5,1 triệu USD đã được GIMO nhận vào tháng Hai vừa qua.
Đây là thương vụ được dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura với sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại của GIMO như Integra Partners, Resolution Ventures, Blauwpark Partners, ThinkZone Ventures và Y Combinator. Bên cạnh đó, vòng gọi vốn còn có sự tham gia của các nhà đầu tư mới gồm Genting Ventures, TKG Taekwang, George Kent và AlteriQ Global.
Theo GIMO, khoản đầu tư của Vòng Series A sẽ được công ty sử dụng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô thị trường. Đầu tiên là sử dụng để tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, qua đó ra mắt nhiều sản phẩm và sáng kiến hướng tới cộng đồng, giúp người lao động phổ thông tránh được rủi ro bẫy nợ và tín dụng đen, góp phần nâng cao an toàn tài chính và an sinh.
Tiếp theo, số tiền đầu tư sẽ giúp gia tăng giá trị cho người lao động. GIMO cho biết sẽ liên tục đổi mới và cải tiến ứng dụng để tối ưu trải nghiệm người dùng, đồng thời triển khai thêm hoạt động xã hội cũng như mở rộng mạng lưới tiếp cận tới nhiều lao động phổ thông hơn nữa.
Cuối cùng, GIMO sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác từ đó khởi động các chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ nhóm lao động yếu thế.
Ông Nguyễn Anh Quân, CEO và Co-founder của GIMO chia sẻ, đơn vị này rất hào hứng khi chính thức hoàn tất vòng gọi vốn Series A. Có thể nói, vòng gọi vốn lần này thể hiện sự tin tưởng và ủng hộ mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với GIMO.
"Nguồn vốn đầu tư này sẽ giúp chúng tôi tiến gần hơn tới tầm nhìn thúc đẩy tài chính toàn diện; giúp cải tiến sản phẩm và mang lại tác động tích cực cho cộng đồng yếu thế về tài chính tại Việt Nam", ông Quân nói.
Đại diện nhà đầu tư, ông Charles Wong, Co-founder và CEO của Quỹ TNB Aura chia sẻ, mong muốn hợp tác chặt chẽ với GIMO để góp phần tháo gỡ rào cản tiếp cận tài chính cho hàng triệu người lao động phổ thông tại Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động hiện nay, sứ mệnh giúp hàng triệu lao động phổ thông Việt Nam tiếp cận các giải pháp tài chính số của GIMO là rất quan trọng.
"Khoảng trống" nhiều tiềm năng
Theo kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với những người lao động phổ thông, công nhân, thông thường mỗi tháng doanh nghiệp nơi họ làm việc sẽ chi trả lương từ 1-2 lần cố định. Trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu ngày một tăng cao, các khoản phát sinh ngày một nhiều, nhiều người đã phải trải qua các lần “giật gấu vá vai” vào cuối tháng.
Có khoảng 30% công nhân vì thu nhập quá thấp luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Đối với họ, đa phần đều không có tiền tích luỹ, nhà ở, cùng với đó là ốm đau bệnh tật, đóng học cho con nên phải đi vay tiền.
Trước khoảng trống thị trường này, các startup với mô hình “ứng lương” hay nhận lương linh hoạt đã ra đời. Tại Việt Nam, cũng đã xuất hiện 02 startup tiên phong về nền tảng “ứng lương linh hoạt” là GIMO và Vui App của Nano Technologies.
Với GIMO - startup này cho biết hiện đang cung cấp giải pháp nhận lương linh hoạt cho gần nửa triệu người lao động từ gần 100 doanh nghiệp, trong đó có các công ty đa quốc gia có quy mô trung bình lớn tại Việt Nam. Năm 2023, hiện GIMO đã ghi nhận mức tăng trưởng đạt 15% và hướng tới mục tiêu phục vụ 2,5 triệu người lao động vào năm 2025.
Theo Tech in Asia.
Dù vậy, tại Việt Nam, các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech như GIMO hay hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending), mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs),... đều chưa có quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh.
Từ 6/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng và giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì.
Tới giữa tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1124/QĐ-NHNN Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có yêu cầu: Nghiên cứu xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trình Chính phủ ban hành trong năm 2022.