Samsung đề xuất hỗ trợ gì khi Việt Nam thực thi thuế tối thiểu toàn cầu?

Năm 2024, nếu Việt Nam không áp thuế tối thiểu toàn cầu, phần chênh lệch tiền thuế 12.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp FDI sẽ phải nộp về chính quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Toàn cảnh Hội thảo: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam".
Toàn cảnh Hội thảo: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam".

“Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” là chủ đề của Hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/4, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì.

200 đại biểu dự sự kiện là đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp FDI; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; các tổ chức quốc tế như IMF, WB, GIZ, ADB...

Hội thảo đã tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung xoay quanh: Các nội dung chính của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu; thực trạng triển khai và định hướng áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của một số quốc gia; phân tích, đánh giá các tác động khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đối với kinh tế, đầu tư thế giới và Việt Nam; các biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Trước đó vài ngày, Tổ công tác đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng đã ký Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác đặc biệt này.

Cần tiến hành đẩy nhanh truyền thông chính sách

Theo bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, Việt Nam cần tiến hành đẩy nhanh truyền thông chính sách, thúc đẩy nghiên cứu lấy ý kiến rộng mở đến cộng đồng khoa học và doanh nhân về thực tế của Trụ cột 2 (thực trạng triển khai và định hướng áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của một số quốc gia).

Đây là hoạt động quan trọng trong bối cảnh mỗi ngày lại có thêm nhiều quốc gia ban hành chính sách và áp dụng sớm chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu. Các chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột 2 cần được xây dựng trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Trước hết, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tranh thủ hỗ trợ, ý kiến tư vấn của OECD và các quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thông qua các diễn đàn đối thoại, hội thảo khoa học, truyền thông chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thuế suất tối thiểu toàn cầu và các quy định thuế liên quan.

Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển.

Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho biết, tính đến nay có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với gần 35.000 dự án. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu, tiếp theo là Singapore, Nhật Bản, Đài Loan.

Trong lúc đó, ngày 23/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh Thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, nếu Việt Nam không ban hành mức thuế tối thiểu, vẫn để ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như hiện hành thì các doanh nghiệp Hàn quốc đang đầu tư ở Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng thuế này, vẫn phải nộp bổ sung phần chênh lệch thuế suất thấp tại Việt Nam với thuế suất 15% về Hàn Quốc.

Do đó, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa đảm bảo quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang, sẽ kinh doanh tại Việt Nam.

"Ông lớn" Samsung nói gì?

Theo thông tin của Bộ Tài chính, tại Việt Nam hiện có khoảng 1.015 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Năm 2024, nếu Việt Nam không áp thuế tối thiểu toàn cầu, phần chênh lệch tiền thuế 12.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp FDI này sẽ phải nộp về chính quốc.

Hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, Thuỵ Sỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, HongKong, Australia… hiện đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024.

Trong khi đó, tại Việt Nam - ba quốc gia là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản đang là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và đây sẽ là các quốc gia có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Tại Việt Nam, các dự án FDI này đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Đó thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp hay Panasonic...

Theo Tổng cục Thuế, nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án FDI đang được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn tác dụng. Qua đó, sẽ ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án FDI.

Tại hội thảo, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho biết, Việt Nam được coi là cứ điểm sản xuất quan trọng hàng đầu của Tập đoàn Samsung.

Nếu việc áp thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm tới, lãnh đạo Samsung Việt Nam cho rằng sẽ làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho tập đoàn, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty. Qua đó, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam vốn đang có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Lãnh đạo Samsung Việt Nam khẳng định, các chính sách Chính phủ ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tính quyết định đến năng lực cạnh tranh của các công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia lớn đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo lãnh đạo Samsung, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt thay thế cho cơ chế miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã bị vô hiệu hoá khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, khoản hỗ trợ này có thể được thực hiện qua các quy trình thủ tục đăng ký và chi trả sau khi doanh nghiệp đã nộp thuế.

Và để thực hiện điều này, Việt Nam nên áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu thuế bổ sung và có được nguồn tài chính cho các khoản hỗ trợ bằng tiền...

Hỗ trợ doanh nghiệp: Không nên ưu đãi bằng tiền

Liên quan đến đề xuất trên, bà Nguyễn Thy Nga cho biết, hiện thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20% - cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án đầu tư nước ngoài như ưu đãi thuế suất 5%,10% lên đến 10,15 năm hay miễn, giảm thuế có thời hạn… Theo tính toán của bà Nga, thuế thực tế với các doanh nghiệp trong kỳ ưu đãi lên đến 12,3%.

Theo bà Nga, đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các nước duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững không phải chỉ là thuế suất doanh nghiệp. Thuế suất doanh nghiệp chỉ được coi là một biến trong mô hình FDI đa biến. Trong đó, các động lực FDI quan trọng khác phải kể đến là quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh…

Do đó, về các chính sách hỗ trợ, "bù đắp" cho doanh nghiệp FDI nếu thuế này được thực thi, bà Nguyễn Thy Nga phản đối việc trực tiếp ưu đãi bằng tiền. Thay vào đó, bà khuyến nghị ưu đãi 3 lĩnh vực liên quan tài chính gồm: thuế xuất nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp và hạ tầng, đất đai.

Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngay từ ngày 01/01/2024. Mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đang có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia và chiến lược thu hút FDI của các nước sẽ thay đổi khi toàn cầu áp dụng thuế suất tối thiểu.

Xu hướng toàn cầu này không chỉ đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi phải có những thích ứng nhanh chóng, kịp thời, chủ động xây dựng chủ trương chính sách ứng phó cho Việt Nam từ phía các cơ quan chức năng.

Đồng thời, cần có lộ trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuế suất tối thiểu toàn cầu và truyền thông chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu đến cộng đồng, nhất là với khối doanh nghiệp Việt Nam nhận đầu tư và số ít doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở nước ngoài.

Theo Viện Quản trị Chính sách

Theo Laodongcongdoan.vn

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE