Một nguyên nhân chính gây ra thiếu hụt xăng dầu trong năm 2022 và những ngày đầu năm 2023 là tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0, thậm chí âm.
Chính vì vậy, trong quá trình sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, vấn đề chiết khấu một lần nữa được đưa ra bàn thảo, xin ý kiến để có những sửa đổi phù hợp. Tuy vậy, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau.
Doanh nghiệp xăng dầu tự quyết định mức tối thiểu mức chiết khấu
Tại dự thảo lần 2 tờ trình Thủ tướng về sửa đổi Nghị định 95 và 83 kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm không quy định mức tối thiểu mức chiết khấu, với lý do để các doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp cung cầu thị trường.
Trường hợp để đảm bảo lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại) các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.
Theo Bộ Công thương, nếu phải đưa mức chiết khấu cho từng khâu của hệ thống phân phối sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi đưa mức chiết khấu cố định vào chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở sẽ làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
“Khi hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, không có sự chia sẻ giữa các khâu trong hệ thống phân phối thì các khó khăn sẽ dồn hết đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung xăng dầu trong nước” Bộ Công Thương nhìn nhận.
Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng lý giải của Bộ Công thương là chưa phù hợp, với cách thức này thì Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời.
Một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.
“Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua”, ông Tuấn nêu rõ.
VCCI đã nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Theo đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm là nguyên nhân khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.
“Có doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói với tôi rằng chưa bao giờ trong quá trình kinh doanh hàng chục năm rồi có tình trạng bán lẻ phải tự bỏ tiền ra để được các doanh nghiệp đầu mối, phân phối cung cấp xăng duy trì việc kinh doanh xăng dầu, tránh việc cơ quan chức năng xử phạt ”, ông Tuấn chia sẻ.
Vì vậy, sau khi tham khảo các doanh nghiệp và một số chuyên gia, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hai hướng:
Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu.
Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.
“Bán lẻ xăng dầu là khâu đặc biệt quan trọng trong cung ứng xăng dầu. Vì vậy, các doanh nghiệp này phải được hưởng một phần lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, để vận hành một cách thuận lợi thì khi đấy nguồn cung xăng dầu mới có thể đảm bảo” ông Tuấn nhìn nhận.
Nên giao quyền định giá và chiết khấu cho các doanh nghiệp
Đồng tình với quan điểm của VCCI, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, kinh doanh thì phải hiệu quả, tức là phải bù đắp được chi phí và có lợi nhuận mới có động lực kinh doanh.
"Không có lợi nhuận, không thể bù đắp chi phí thì đương nhiên người kinh doanh nghỉ bán, ngừng bán. Đây là điều hết sức bình thường trong kinh doanh không chỉ xăng dầu mà là tất cả các ngành hàng trong nền kinh tế", ông Thỏa nêu quan điểm.
Vì vậy, nếu Bộ Công Thương muốn giữ quan điểm không quy định mức tối thiểu mức chiết khấu như trước thì cần phải đổi mới cơ chế điều hành giá, giao quyền định giá, cạnh tranh về giá cho các doanh nghiệp.
"Bộ Công Thương phải có trách nhiệm ban hành quy chế tính giá, tính chi phí định mức kinh doanh, hướng dẫn chi phí nào được tính, và hướng dẫn các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau theo nguyên tắc thị trường", ông Thoả đề xuất.
Ông Thỏa lưu ý, dù sửa đổi như thế nào cũng phải thay đổi cách vận hành trong chuỗi cung ứng, từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến hệ thống bán buôn bán lẻ, để đảm bảo xăng dầu được vận hành theo thị trường nhưng có sự quản lý Nhà nước bởi 1 đầu mối là Bộ Công Thương.
"Trong đó, các đơn vị nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ được tự chủ hạch toán kinh doanh “lời ăn lỗ chịu”. Mọi chi phí, chiết khấu sẽ do các bên thỏa thuận, mức dự trữ cũng sẽ do doanh nghiệp tự quyết định theo từng quý và tùy thuộc theo quy mô của mỗi doanh nghiệp", ông Thỏa nhấn mạnh.