Ngày 16/3, Diễn đàn Quốc tế hoá Giáo dục Đại học (FIHE) lần thứ 6 với chủ đề: Campus-in-campus: Innovative Models for Internationalization of Higher Education Institutions (Mô hình đổi mới sáng tạo trong quốc tế hoá cơ sở giáo dục đại học) đã được tổ chức tại Trường Đại học Ngoại thương (FTU).
Theo Ban tổ chức, sự kiện đã thu hút khoảng 200 đại diện của hơn 80 cơ sở giáo dục, trên 20 Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tới tham dự.
Qua diễn đàn, nhiều ý kiến đều cho rằng quốc tế hóa giáo dục không còn là chủ đề mới. Tuy nhiên, sự phân bổ không đồng đều về nguồn lực, sự phân hóa trong phát triển kinh tế đã tạo ra những khác biệt lớn giữa các quốc gia. Do đó, đây chính là thời điểm các cơ sở giáo dục đại học cần có một tầm nhìn chiến lược, tận dụng các nguồn lực hiệu quả vào công tác đào tạo.
Vì vậy, hợp tác xuyên biên giới trong giáo dục đại học ở thời điểm này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học và “Campus-in-campus” là mô hình có thể giúp các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa nguồn lực của các bên để mang lại lợi ích tốt nhất.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết Diễn đàn được tổ chức thường niên với mục đích tìm kiếm các phương pháp sáng tạo, đổi mới và trở thành nơi cho các cơ sở giáo dục đại học trao đổi ý kiến, khám phá các cơ hội hợp tác và theo đuổi mục tiêu quốc tế hóa của mình.
Năm nay, với chủ đề "Campus-in-Campus: Mô hình đổi mới sáng tạo trong quốc tế hóa cơ sở giáo dục đại học", diễn đàn FIHE kỳ vọng sẽ mang đến nguồn cảm hứng cho tất cả cơ sở giáo dục trên hành trình hướng tới quốc tế hóa giáo dục.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu khai mạc Diễn đàn FIHE lần 6. Ảnh Tuấn Việt
Theo ông Tuấn, “Campus-in-campus” là một ý tưởng đột phá trong quốc tế hóa giáo dục, dựa trên việc chia sẻ tài nguyên của các cơ sở giáo dục để sử dụng tối ưu không biên giới các nguồn lực về con người, chương trình đào tạo, tài liệu, cơ sở vật chất, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững giáo dục đại học.
“Trường Đại học Ngoại thương sẽ nỗ lực hết mình để duy trì Diễn đàn thường niên này, giúp các cơ sở và tổ chức giáo dục đại học ở khắp nơi trên thế giới có thể giao lưu và chia sẻ về quốc tế hóa giáo dục”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh...
Quốc tế hóa giáo dục là xu thế tất yếu
Là một trong ba diễn giả chính tại Diễn đàn, GS. Rongyu Li, Phó hiệu trưởng Đại học Queensland (Australia) đã chia sẻ một số góc nhìn về quá trình quốc tế hóa giáo dục đang diễn ra.
Theo ông Li, với ngành giáo dục thì các hệ thống xếp hạng toàn cầu, dù chúng ta có thích nó hay không thì nó vẫn luôn là một cuộc đua mà mỗi cơ sở giáo dục đều theo đuổi để vươn tới đỉnh cao. Điều này đã diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Thực tế, mọi tổ chức đều mong muốn có thể đạt được thứ hạng cao ở cấp độ toàn cầu. Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng đã có mô hình xếp hạng riêng dành cho các cơ sở trong hệ thống giáo dục đào tạo của mình.
Ở khía cạnh nào đó, một hệ thống giáo dục đại học có chất lượng cao sẽ góp phần đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo GS. Li, ở Việt Nam điều này hoàn toàn là thực tế khi hệ thống giáo dục đang ngày càng được hoàn thiện, nâng cao chất lượng từ cấp mầm non tới giáo dục đại học.
"Chúng tôi tin tưởng là tất cả chúng ta ở đây đều tin rằng khoa học cũng như là tri thức từ lâu đã vượt qua những phạm vi về biên giới và thực tế này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới", ông Li nói.
Ông Li cho rằng những thách thức chính mà chúng ta cùng phải đối mặt ngày nay như biến đổi khí hậu, đại dịch toàn cầu... đều cần sự hợp tác quốc tế. Và trong giáo dục, cần đẩy mạnh sự hợp tác để có thể mang lại những lợi ích cho bản thân mỗi tổ chức cũng như toàn xã hội.
GS. Rongyu Li, Phó hiệu trưởng Đại học Queensland chia sẻ tại Diễn đàn FIHE lần 6. Ảnh Tuấn Việt
GS. Li lấy ví dụ về sự công nhận những bằng cấp, kỹ năng chéo giữa các quốc gia. Cụ thể như việc Australia và Ấn Độ đã ký một số thỏa thuận để có thể công nhận bằng cấp lẫn nhau.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh quá trình, công cuộc học tập suốt đời của mỗi con người để có thể đảm bảo công ăn việc làm, duy trì năng lực cạnh tranh của mỗi cá nhân khi các kỹ năng nghề nghiệp hay kiến thức mới liên tục ra đời...
Phó hiệu trưởng Đại học Queensland cũng lưu ý, "quốc tế hóa" hiện nay không còn là điều thích thì làm hay chỉ là giá trị cộng thêm nữa bởi nó cần được lồng ghép trong "sứ mệnh - tầm nhìn - chiến lược" phát triển của mỗi trường.
Nhu cầu trong nước là rất lớn
Cũng tại Diễn đàn, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đã có những chia sẻ về Mô hình “Campus-in-campus” mà nhà trường đang hướng tới và một số kinh nghiệm, bài học được rút ra từ quá trình "quốc tế hóa" tại cơ sở giáo dục này.
Bà Hương nhìn nhận, giáo dục đại học của Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều trong thời gian qua, ngay từ hành lang pháp lý như các quy định. Luật giáo dục đại học đã đề cập rất rõ ràng đến việc kết nối với thị trường lao động, tăng cường tự chủ trong các trường đại học về các hoạt động chuyên môn hay học thuật...
Theo bà Hương, tại Việt Nam, trước hết cần phải đẩy mạnh phối hợp, hợp tác với nhau tốt hơn giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước, từ đó để có thể khai thác tốt hơn những cái nguồn lực chung. Tiếp đó mới là hợp tác với giữa các cái cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương tại Diễn đàn FIHE lần 6. Ảnh Tuấn Việt
Dẫn lại kết quả từ một báo cáo của HSBC, bà Hương cho biết, các bậc cha mẹ tại Việt Nam chi tiêu khoảng 50 % thu nhập của mình để đầu tư vào giáo dục cho con cái. Đồng nghĩa là ngay trong nước chúng ta cũng có nhu cầu rất là lớn về chi tiêu dành cho giáo dục. Đó là những cha mẹ muốn con gái của mình được tham gia vào các chương trình giáo dục có chất lượng cao hơn.
Trong khi đó, sự hợp tác giữa các cái cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và nước ngoài thì chủ yếu mới đang tập trung vào các cái chương trình đào tạo liên kết. Ở thời điểm này, chúng ta hiện có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo đại học tại Việt Nam. Nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa thu hút được các trường đại học thực sự uy tín, có thứ hạng xếp hạng cao trên thế giới. Con số số các đối tác danh tiếng mà tham gia vào các chương trình đào tạo liên kết ở Việt Nam còn rất là hạn chế.
Bà Hương cho rằng, câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta nên làm gì để có thể thu hút nhiều hơn sự hợp tác đầu tư của các đối tác tốt, có uy tín đến Việt Nam để có thể cùng tham gia các cái chương trình đào tạo, liên kết đào tạo kết hợp.
Cùng với đó, sự hợp tác giữa trường đại học với các doanh nghiệp, tổ chức trong đào tạo, thực tập để sinh viên sau khi ra trường có thể tăng khả năng đáp ứng công việc cũng cần nhiều sự nỗ lực của các bên.