Đó là thông điệp về quản trị công ty được bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam nhấn mạnh tại Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 5 (AF5) với chủ đề: “Củng cố năng lực lãnh đạo trong một thế giới đầy thách thức”,
Sự kiện thường niên lần thứ 5 của VIOD, phối hợp cùng Báo Đầu tư tổ chức ngày 9/12 đã nhận được sự thảo luận, cho ý kiến của các chuyên gia tới từ hơn 100 công ty niêm yết - đại chúng, tổng công ty nhà nước, tập đoàn đa quốc gia và các tập đoàn kinh tế tư nhân... xoay quanh câu chuyện về quản trị doanh nghiệp, phát triển bền vững.
Quản trị công ty cần vượt trên sự "tuân thủ"
Phát biểu mở đầu chương trình, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, Chủ tịch Deloitte Việt Nam khẳng định: Trước một tương lai nhiều bất định, vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp - của chủ công ty cần phải được thể hiện, định hình rõ hơn nữa chứ không còn đơn thuần ở vấn đề trách nhiệm xã hội. Có như vậy mới có thể đảm bảo cho người lao động khi gặp các biến động về môi trường - xã hội như thiên tai, rủi ro dịch bệnh… thì họ vẫn có thể được bảo vệ.
Trong một thế giới nhiều thách thức và biến động liên tục như hiện nay, sự thích ứng, thay đổi của các nhà lãnh đạo trong tư duy và hành động được coi là yếu tố then chốt cho một nền tảng quản trị công ty minh bạch, hiệu quả và bền vững, vượt lên trên cả sự tuân thủ. Quản trị công ty được xem là giá trị và thước đo của năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, với một hệ thống tích hợp gồm Quản trị Biến đổi khí hậu, Quản trị rủi ro, Quản trị hiệu quả.
Trước hết, trong việc phát triển bền vững, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần xác định yếu tố giảm thải carbon nằm ở đâu trong chiến lược phát triển của mình. Và vai trò của HĐQT nằm ở đâu trong việc quản trị rủi ro và phát triển bền vững này.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh Tuấn ViệtTheo bà Thanh, Bộ Tài chính cũng đã nhấn mạnh rất rõ, để quản trị công ty một cách hiệu quả và bền vững thì phải áp dụng các thông lệ tốt nhất của thế giới chứ không chỉ dừng lại ở mức tuân thủ. Và đây chính là những thông điệp mà VIOD muốn truyền tải thông qua Diễn đàn thường niên lần thứ 5.
Phát triển bền vững gắn với ba yếu tố Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) là một xu thế tất yếu và là trọng tâm trong chiến lược phát triển của các quốc gia, của nhiều lĩnh vực, ngành nghề, và của cả cộng đồng doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, ESG đang được đề cập một cách đầy đủ, rõ ràng và liên tục trên mọi phương diện. Trong đó, yếu tố Quản trị công ty đặc biệt được coi trọng khi thị trường chứng kiến những công ty có nền tảng quản trị tốt đang lấy lại đà phục hồi và phát triển bền vững sau hai năm của đại dịch.
"Quản trị công ty không đơn thuần là việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Vượt lên trên sự tuân thủ, đây được coi là một trong ba thành tố quan trọng của phát triển bền vững của doanh nghiệp, là một thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp", Chủ tịch VIOD nhận định.
Theo đó, Quản trị công ty cần gắn liền với Quản trị hiệu quả tác động của Biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon đi cùng với thực thi trách nhiệm xã hội. Trong đó, tích hợp ESG cần được đưa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, và bắt đầu chuyển từ nhận thức sang hành động của HĐQT.
Bà Thanh cho biết, trên thực tế, có rất nhiều thành viên HĐQT chưa bao giờ được qua đào tạo về quản trị công ty một cách đầy đủ, kịp thời cập nhật. Và công cụ mà VIOD hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thị trường chính là đào tạo.
"Nhưng trước hết kiến thức cần phải đi trước thì nhận thức mới có thể thay đổi, rồi mới đến cách thức tiếp cận. Và đây là một câu chuyện rất là lớn và cần lộ trình dài...", bà Thanh nói.
Kết lại, bà Thanh nhấn mạnh, quản trị rủi ro chống biến đổi khí hậu gắn với quản trị công ty tốt sẽ tạo ra hiệu ứng cho các vấn đề xã hội. ESG không chỉ là một xu hướng tất yếu trên toàn cầu mà là những vấn đề then chốt đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển nhanh và mạnh hơn trong tương lai.
Có chưa tới 100 doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam công bố báo cáo bằng tiếng Anh
Tiếp nối chia sẻ của bà Hà Thu Thanh, ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc của VIOD một lần nữa tái khẳng định thông điệp đó là quản trị doanh nghiệp hiện giờ không còn chỉ là "tuân thủ" nữa mà phải vượt lên sự tuân thủ.
Theo ông Long, "vượt lên sự tuân thủ" như thế nào thì cũng cần phải có một sự đo lường. Trước hết cần hiểu khái niệm ACGS (Thẻ điểm quản trị công ty khối ASEAN) - một sáng kiến rất quan trọng tại Diễn đàn thị trường vốn ASEAN là gì.
Ông Long cho biết, sau 10 năm tham gia (từ 2012), ACGS đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam tiếp cận và hiểu hơn về việc quản trị công ty theo thông lệ tốt là như thế nào, định hình rõ xem là chúng ta đang ở đâu.
Cũng theo ông Long, với một thị trường vốn mà có lẽ là đã tiệm cận ngưỡng thị trường mới nổi như Việt Nam thì cần phải có cách tiếp cận rõ ràng hơn về quản trị công ty. Theo đó, doanh nghiệp đã bước đầu qua giai đoạn nhận thức và cần tiến vào giai đoạn hành động.