Ngày 19/1/2022, Tập đoàn Hòa Bình (HBC) vừa gửi thông cáo báo chí về Quyết định thi hành án chủ động của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP.HCM. Quyết định yêu cầu Hòa Bình tạm dừng thi hành các Nghị quyết số 50, 51 và 53 của HĐQT - cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng trọng tài.
Đây là các Nghị quyết liên quan đến việc tranh chấp vị trí Chủ tịch HĐQT giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú. Cụ thể như sau:
- Nghị quyết số 50 ngày 14/12/2022 thông qua việc Ông Lê Viết Hải từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. - Nghị quyết số 51 (cùng ngày) thông qua việc ông Nguyễn Công Phú sẽ đảm nhiệm vị trí thay thế từ ngày 1/1/2023. Trước đó, ông Nguyễn Công Phú là Thành viên HĐQT Hòa Bình từ tháng 7/2021. - Nghị quyết số 53 ngày 31/12/2022 thông qua việc hoãn thi hành 2 nghị quyết số 50 và 51, do đó ông Hải sẽ tiếp tục vị trí Chủ tịch HĐQT.
“Nhóm ông Phú” cho rằng Nghị quyết số 53 là không có hiệu lực do chưa đủ số người tham gia cuộc họp, trong khi “nhóm ông Hải” đã gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM toàn bộ Nghị quyết và Biên bản và cho biết Nghị quyết hoàn toàn tuân thủ Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Tranh chấp giữa hai bên đến nay vẫn chưa được đưa ra tòa án/trọng tài do chưa có bên khởi kiện.
Tuy nhiên, ngày 3/1/2023, một cổ đông cá nhân của Hòa Bình đã gửi đơn kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) yêu cầu hủy bỏ cả 3 Nghị quyết 50, 51 và 53.
Thông thường, đối với các tranh chấp về tính pháp lý của các Nghị quyết/Quyết định, các cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định tạm dừng/đình chỉ việc thi hành các quyết định liên quan. Việc tạm dừng chỉ có tác dụng đến khi có quyết định chính thức là phán quyết/quyết định từ các cơ quan thi hành án.
Trong trường hợp của Hòa Bình, Quyết định của Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM nằm trong tiến trình giải quyết đơn kiện của cổ đông cá nhân đã gửi lên Hội đồng Trọng tài.
Trao đổi với phóng viên về trường hợp của Hoà Bình, Luật sư Phạm Văn Phất - Văn phòng Luật An Phát Phạm phân tích: “Khi chưa có quyết định có hiệu lực của Tòa án xác định một nghị quyết của HĐQT là vô hiệu thì Nghị quyết đó vẫn được coi là hợp pháp. Trong trường hợp của công ty Hòa Bình, ông Hải vẫn được coi là Chủ tịch HĐQT hợp pháp cho đến khi Nghị quyết đó được xác định là không có giá trị pháp lý bởi một quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp những người đang có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết của HĐQT vẫn thực hiện nghị quyết thì những người cho rằng Nghị quyết không hợp pháp sẽ phải yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của nghị quyết đó”.
Như vậy, nếu không có quyết định từ tòa án, ông Hải vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Hòa Bình, ông Phất nhận định.