Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, mục tiêu xây dựng chính sách giảm thuế GTGT là nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Do vậy, năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7- 31/12/2023 như sau:
Giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Giảm thuế GTGT là cần thiết
Liên quan đến những tác động của chính sách giảm thuế GTGT đến ngân sách Nhà nước (NSNN), đến tăng trưởng kinh tế, người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đối với thu NSNN năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 01/2024).
“Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế...”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ảnh: Quốc hội
Đối với tác động tăng trưởng kinh tế, giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Còn đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cần bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi giảm thuế GTGT
Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhấn mạnh sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.
Theo ông Mạnh, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi đề xuất ban hành chính sách như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho NSNN...
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Ảnh: Quốc hội
Về tác động chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ cụ thể hơn về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này ngoài các biện pháp về tăng cường công tác quản lý để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi NSNN năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, trong quản lý thu thuế GTGT, đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ để tránh gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp do không được hoàn đối với số thuế đầu vào đã nộp.
Ngoài ra, về hiệu lực thi hành chính sách, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT là từ 01/7- 31/12/2023.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.
Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay, nền kinh tế đã tiệm cận suy thoái, nếu tiếp tục gia tăng hoặc đơn giản chỉ giữ nguyên việc thu thuế GTGT sẽ tỉ lệ nghịch với những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân đang gặp phải.
Vì vậy, đại biểu Vân cho rằng, thay vì chỉ dừng lại ở mức giảm 2% thuế GTGT, việc giảm thuế xuống tiếp 3 - 5% sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân và doanh nghiệp bởi sẽ giúp chi phí giá thành hàng hoá thấp, góp phần thúc đẩy mua bán, tăng doanh số
“Sức vác của một người chỉ được 20 kg là kiệt sức, nếu bớt đi 2kg, gánh nặng trên vai họ sẽ giảm và có thể đi thêm được 10 bước nữa. Nếu tiếp tục giảm xuống 15kg, họ có thể tiến xa hơn được 20 bước, gấp đôi giá trị tạo ra so với 10 bước", ông Vân nêu ví dụ.
Đại biểu này khẳng định, hiện thị trường rất cần những chính sách kích cầu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nếu doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng lên thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, thu nhập cá nhân cũng tăng lên, từ đó cũng thu được thêm thuế cho ngân sách Nhà nước.