Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê duyệt kế hoạch đấu thầu các gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần của công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Trong số gần 20 gói thầu xây lắp, gói thầu xây lắp - thi công (gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) thuộc dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có giá trị lớn nhất là 7.966 tỷ đồng.
Đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có giá trị 6.045 tỷ đồng.
Đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng được chia làm 2 gói thầu xây lắp trị giá lần lượt 4.456 tỷ và 3.304 tỷ đồng.
Đoạn Vũng Áng - Bùng được chia làm 2 gói thầu xây lắp trị giá 5.300 tỷ và 5.400 tỷ đồng.
Đoạn Bùng - Vạn Ninh được làm 2 gói thầu xây lắp trị giá 3.939 tỷ và 3.501 tỷ đồng.
Đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ được chia làm 2 gói thầu xây lắp trị giá 3.361 tỷ và 3.480 tỷ đồng.
Đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được chia làm 3 gói thầu xây lắp trị giá 3.800 tỷ, 4.500 tỷ và 6.400 tỷ đồng.
Đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn được chia làm 2 gói thầu xây lắp trị giá 3.027 tỷ và 6.140 tỷ đồng.
Đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh được chia làm 3 gói thầu xây lắp trị giá 3.690 tỷ, 3.055 tỷ và 6.241 tỷ đồng.
Đoạn Chí Thạnh - Vân Phong được chia làm 2 gói thầu xây lắp trị giá 4.393 tỷ và 4.440 tỷ đồng.
Đoạn Vân phong - Nha Trang được chia làm 2 gói thầu xây lắp trị giá 5.365 tỷ và 3.549 tỷ đồng.
Đoạn Hậu Giang - Cà Mau được chia làm 3 gói thầu xây lắp trị giá 7.256 tỷ, 3.835 tỷ đồng và 3.334 tỷ đồng.
Các gói thầu xây lắp đều được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Phần xây lắp theo đơn giá điều chỉnh, phần khảo sát theo đơn giá cố định, phần thiết kế bản vẽ thi công trọn gói. Thời gian tổ chức đấu thầu là quý 4/2022, thời gian thi công 1.020 ngày.
Sau khi Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu, các chủ đầu tư đăng tải thông tin, phê duyệt hồ sơ yêu cầu, gửi thư mời nhà thầu. Sau khoảng 10 ngày, chủ đầu tư đánh giá năng lực của nhà thầu nộp hồ sơ.
Theo các chuyên gia, cách phân chia gói thầu cho thấy Bộ GTVT tiếp thu chỉ đạo của Chính phủ về việc không chia nhỏ gói thầu để ảnh hưởng đến tiến độ và có thể tăng tổng mức đầu tư dự án.
Các dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Quy Nhơn - Chí Thành, Bãi Vọt - Hàm Nghi có gói thầu xây lắp lớn hơn 6.000 tỷ đồng là thách thức lớn, song cũng điều kiện tốt để nhà thầu trong nước tham gia dự án trưởng thành cả về năng lực, kinh nghiệm so với việc chỉ thực hiện các gói thầu 1.000-2.000 tỷ đồng.
Mặt bằng cao tốc Bắc - Nam bị vướng
Báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, diện tích đất sử dụng cho dự án qua tỉnh Phú Yên kiểm đếm mới đạt 84%, còn 2 địa phương là thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An chưa hoàn thành.
Cụ thể, dự án đi qua cao tốc Bắc - Nam phía Đông địa bàn 6 huyện, thị tỉnh Phú Yên với tổng diện tích đất sử dụng cho dự án được phê duyệt hơn 885 ha. Hiện chủ đầu tư bàn giao cọc giải phóng mặt bằng đạt 100%. Địa phương tổ chức kiểm kê, kiểm đếm khối lượng tài sản, hộ dân bị ảnh hưởng, số hộ phải di dời, tái định cư. Tuy nhiên, tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương đều chậm hơn so với tiến độ đề ra.
Ngày 3/11, làm việc với UBND tỉnh Phú Yên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, tiến độ dự án đang rất gấp rút, đến ngày 20/11 các tỉnh phải báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng cho Chính phủ.
Công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam gặp vướng mắcTại Hà Tĩnh, theo báo cáo từ Sở GTVT ngày 5/11, tiến độ chi trả giải phóng mặt bằng đoạn Vũng Áng - Bùng (đoạn qua Hà Tĩnh) với kinh phí 91,3 tỷ đồng, trong đó thị xã Kỳ Anh 71 tỷ đồng, huyện Kỳ Anh 20,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, địa phận qua huyện Kỳ Anh chưa được chi trả, còn địa phận thị xã Kỳ Anh mới chi trả được 17,954 tỷ trên 71 tỷ đồng, tiến độ giải ngân 25,29%.
Bộ GTVT có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.
Tổng chiều dài đường cao tốc qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh đoạn Vũng Áng - Bùng là 12,9 km và địa phận tỉnh Quảng Bình đoạn Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh đi qua là 91,28 km.
Đến nay, thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới (Quảng Bình) mới đang thẩm định phương án, dự kiến phê duyệt tháng 11.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy nhanh công tác kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.