Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, tính từ ngày 1/4/2022 đến 31/5/2023, tổng số phí hạ tầng cảng biển TP.HCM đã thu được khoảng 2.665 tỷ đồng, và hoàn toàn qua hệ thống tự động.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu trên được nộp vào ngân sách; từ đó bố trí riêng để làm các công trình hạ tầng kết nối tới cảng biển - trọng tâm là ba công trình trọng điểm: nút giao Mỹ Thủy, An Phú và Vành đai 2 đều thuộc TP. Thủ Đức.
Trong ba dự án trên, đoạn vành đai 2 là công trình có kinh phí lớn nhất với gần 9.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng giải phóng mặt bằng đã hơn 6.400 tỷ đồng. Công trình này dự kiến được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp vào tháng 7 tới.
Còn nút giao An Phú có tổng vốn hơn 3.400 tỷ đồng đang được triển khai, dự kiến hoàn thành năm 2025 giúp giảm ùn tắc, tăng liên kết vùng ở cửa ngõ phía Đông thành phố.
Riêng dự án nút giao Mỹ Thủy tổng vốn hơn 3.600 tỷ đồng, đang triển khai giai đoạn 2 với việc xây thêm các cầu, nhánh rẽ... Nút giao này cũng dự tính hoàn thiện toàn bộ năm 2025, giúp giảm kẹt xe, tai nạn khu vực cảng Cát Lái.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT thành phố, ngoài những dự án trên, nguồn thu từ sử dụng hạ tầng cảng biển sắp tới sẽ được dùng để đầu tư các công trình khác kết nối cảng như: mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu...
Dự án từng gây nhiều tranh cãi
Sau hai lần lùi lịch, trì hoãn, từ đầu tháng 4/2022, TP.HCM bắt đầu triển khai thu phí hạ tầng cảng biển với mức thấp nhất 15.000 đồng/mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM). Và cao nhất 4,4 triệu đồng/mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).
Theo ước tính của thành phố, đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển sẽ đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.
Như trên, sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, TP.HCM cho biết, toàn bộ nguồn thu được đầu tư các công trình quanh cảng. Đây cũng là một phần trong kế hoạch bổ sung vốn đầu tư những tuyến đường kết nối các cảng trên địa bàn bị chậm trễ nhiều năm do thiếu nguồn lực.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay từ khi triển khai, xây dựng đề án, đến khi đưa vào áp dụng thực tiễn, việc thu phí này của TP.HCM đã vấp phải không ít dư luận trái chiều.
Giữa tháng 5/2023 - tức là hơn một tháng chính thức triển khai, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3978/BTC-CST gửi UBND TP.HCM về việc sửa đổi quy định về mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển. Tại thời điểm này, đó cũng là công văn thứ 4 của Bộ Tài chính gửi TP.HCM liên quan đến vấn đề thu phí.
Tại văn bản, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được Công văn của UBND tỉnh Đồng Nai, Cục Hải quan Bình Dương liên quan đến Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM; Công văn của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo một số bất cập, tác động đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết đã có các công văn số 2681/BTC-CST ngày 17/3, công văn số 6665/BTC-CST ngày 21/6/2022, công văn số 2784/BTC-CST ngày 25/3/2022 gửi UBND TP.HCM.
Theo đó, các công văn này nêu rõ: "Việc quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác gây bất bình đẳng, có sự phân biệt đối xử".
Trước đó, cận kề thời điểm thu phí, vào đầu tháng 3, 7 hiệp hội doanh nghiệp liên quan đã gửi kiến nghị TP.HCM chưa thu phí hạ tầng cảng biển trong năm 2022. Theo các đơn vị này, nếu TP.HCM vẫn tiếp tục quyết thu phí cảng biển từ ngày 01/4, sẽ khiến doanh nghiệp kiệt quệ...
Kế đó, đầu tháng 4, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp, Ban IV đã tiếp tục có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về một số bất cập, tác động tiêu cực của việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM...