Chính phủ Mỹ ngày 27/9 đã chính thức tăng gấp bốn lần mức thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%, và tăng mạnh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược khác, như thép và các sản phẩm năng lượng Mặt Trời.
Mức thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm đã được nâng từ phạm vi 0-7,5% trước đó lên 25%, trong khi thuế đối với pin năng lượng mặt trời và chất bán dẫn đã tăng gấp đôi lên 50%.
Các mức tăng thuế nói trên của Mỹ đã có hiệu lực, trong khi Trung Quốc cho đến nay chỉ mới ám chỉ về khả năng sẽ có các biện pháp đáp trả.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần đầu công bố quyết định tăng thuế này vào tháng Năm.
Ông đã lên tiếng "phàn nàn" Trung Quốc, khi cho rằng hàng hóa giá rẻ một cách bất công nhờ trợ cấp chính phủ của nước này đã tràn ngập thị trường toàn cầu.
Tổng thống Mỹ cho biết việc tăng thuế này là nhằm mục đích ngăn chặn Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ.
Nhiều quốc gia phương Tây khác cũng đã gia tăng áp lực lên Trung Quốc, cho rằng năng lực sản xuất dư thừa của nước này có thể bóp méo mặt bằng giá cả toàn cầu và ảnh hưởng đến người lao động.
Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch áp thuế lên đến 36,3% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Canada dự kiến sẽ đánh thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu bắt đầu từ tháng tới.
Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu thị trường MarkLines, xe điện chiếm hơn 10% doanh số bán xe tại Mỹ trong tháng 7/2024, nhưng tại Trung Quốc, tỷ lệ này khoảng 50% - cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu khoảng 20%.
Mỹ vẫn đang thiếu cơ sở hạ tầng sạc xe điện và các mẫu xe trong phân khúc giá đại chúng. Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô lớn của Trung Quốc như BYD dựa vào chuỗi cung ứng nội địa rộng lớn, giúp họ cạnh tranh trong một thị trường đông đúc, cung cấp xe điện với mức giá dưới 25.000 USD/chiếc.
Tại Mỹ, ngay cả nhà sản xuất hàng đầu Tesla cũng chưa có mẫu xe nào dưới mức 30.000 USD/chiếc. Hiện chưa có mẫu xe điện nào của Mỹ có giá rẻ ngang các xe chạy xăng.
Ông Joe McCabe, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty nghiên cứu AutoForecast Solutions tại Mỹ, cho biết mẫu xe có giá thấp nhất của BYD tại Mỹ là 12.000 USD/chiếc. Ngay cả với mức thuế 100% mà Mỹ áp đặt, BYD vẫn có mẫu xe điện rẻ nhất trên thị trường, dưới mức 25.000 USD/chiếc.
Ông McCabe nhận định rằng các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc dường như không quan tâm đến lợi nhuận. Chính quyền Tổng thống Biden cũng lo ngại việc các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cố gắng né tránh thuế quan.
Việc thiếu tiến triển trong việc xây dựng chuỗi cung ứng xe điện đang buộc một số nhà sản xuất ôtô Mỹ phải cân nhắc lại kế hoạch đầu tư.
General Motors đã hoãn lại khoảng một năm việc khởi động nhà máy sản xuất pin của mình tại bang Indiana, một dự án có sự tham gia của Samsung SDI.
Panasonic Holdings của Nhật Bản đã hạ mục tiêu sản xuất pin xe điện, chủ yếu tại Bắc Mỹ, xuống khoảng 30% so với kế hoạch trước đó. Một thực tế hiện nay là không có chuỗi cung ứng tại Mỹ cho việc khai thác và xử lý nguyên liệu pin.
Trong khi đó, nhà sản xuất xe điện Xpeng Inc. của Trung Quốc đang tìm kiếm một địa điểm sản xuất tại châu Âu, nhằm giảm thiểu tác động của thuế nhập khẩu bằng cách sản xuất ô tô ở khu vực này.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Bloomberg, Giám đốc điều hành Xpeng, ông He Xiaopeng, cho biết công ty đối tác tại Trung Quốc của Volkswagen AG này đang bước vào giai đoạn lựa chọn địa điểm tại Liên minh châu Âu (EU) để thực hiện kế hoạch thiết lập hoạt động sản xuất tại đây trong tương lai.
Ông cho biết công ty dự kiến sẽ xây dựng nhà máy ở những khu vực có "rủi ro lao động tương đối thấp," đồng thời cho biết thêm rằng Xpeng cũng dự định thiết lập một trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại châu Âu, vì việc thu thập dữ liệu phần mềm đang là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các tính năng lái xe thông minh của ôtô.
Ông He khẳng định kế hoạch mở rộng toàn cầu của Xpeng sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế, dù ông lưu ý rằng "lợi nhuận từ các nước châu Âu sẽ giảm phần nào sau khi tăng thuế".
Ngoài Xpeng, nhiều nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, bao gồm BYD, Chery Automobile Co. và Zeekr của Zhejiang Geely Holding Group Co., cũng đang tìm cách xây dựng cơ sở sản xuất tại châu Âu để giảm thiểu tác động từ quyết định của EU về việc tăng thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc lên tới 36,3%. Xpeng sẽ phải đối mặt với mức thuế bổ sung là 21,3%.
Bên cạnh vấn đề thuế quan, công ty 10 năm tuổi này của Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khác trong những năm gần đây.
Xpeng đang gặp khó khăn với doanh số bán hàng trong nước ảm đạm, những bất đồng trong việc lên kế hoạch sản phẩm và một cuộc đua về giá kéo dài trên thị trường Trung Quốc. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm hơn một nửa kể từ tháng Một.
Xpeng đã giao khoảng 50.000 xe trong nửa đầu năm nay, chỉ bằng khoảng 20% doanh số hàng tháng của BYD.