Sau khi các cửa khẩu biên giới mở cửa thì các hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản giữa hai nước dần tăng trở lại.
Ông Vương Trinh Quốc – Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai cho biết, từ ngày 8/01 đến nay các hoạt động tại cửa khẩu Lào Cai đã khôi phục trở lại bình thường, các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu đã làm việc trở lại như khi chưa có dịch.
Chênh lệch lớn giữa hàng hoá xuất nhập qua biên giới giữa hai nước
Trong một tháng qua đã có hơn 6.000 lượt phương tiện xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là qua cửa khẩu quốc tế Kim Thành. Trong đó, xe xuất khẩu của phía Việt Nam là trên 2.000 lượt xe, chiếm 30% trong tổng lượng xe xuất nhập khẩu, xe nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào là hơn 4.000 lượt, chiếm hơn 70% trong tổng số xe xuất nhập khẩu.
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là đậu xanh, lạc, sắn và hoa quả tươi, đối với mặt hàng quả tươi thì thanh long chiếm đến 285 xe, phần còn lại chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít, nhãn. Hiện nay tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai năng lực thông quan cho các xe nông sản đến cửa khẩu có thể được xuất khẩu trong ngày.
“Năng lực thông quan đối với cửa khẩu quốc tế Kim Thành qua đường bộ có thời điểm vào năm 2019 đã có 800 lượt xe qua lại trong ngày và hiện nay bình quân có từ 200 đến 300 lượt xe qua lại cửa khẩu trong ngày, trong đó 70% là xe của Trung Quốc còn 30% là xe của Việt Nam.
Để tăng cường năng lực thông quan và theo chỉ đạo của lãnh đạo cũng như Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu hai bên thống nhất sẽ dỡ bỏ phương thức xe trung chuyển”, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai nói.
Đối với các thủ tục về thông quan cũng như điều kiện hạ tầng, tỉnh Lào Cai đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước như Vĩnh Long, Long An và Ninh Thuận – những địa phương có lượng lớn nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai.
Do vậy, tỉnh giao cho Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lào Cai là đơn vị đầu mối để thực hiện các hoạt động, tạo điều kiện về hạ tầng cũng như kiểm soát các thủ tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi nhất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, cửa khẩu Lào Cai là nơi trung chuyển hàng hóa rất nhiều và hiện nay các xe ở các vùng thanh long đang bắt đầu tấp nập lên cửa khẩu Lào Cai. Về sản xuất, mỗi quý có khoảng 300.000 tấn thanh long được thu hoạch, và khi cửa khẩu đã được mở ra sắp tới số lượng thanh long sẽ được đưa tới cửa khẩu rất nhiều.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam
Theo Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, đối với hạ tầng bến bãi thì Lào Cai đã tăng thêm các bến bãi phục vụ xuất khẩu, và đảm bảo năng lực như trước đây là từ 700 đến 800 lượt xe/ngày đối với cửa khẩu Kim Thành. Tại cửa khẩu quốc tế đường sắt hiện cũng đã hoàn thành và hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý:
Thứ nhất, đối với các mặt hàng nông sản đề nghị doanh nghiệp nên làm theo quy định Thông tư 19 của Bộ Tài chính làm thủ tục thông quan trước, đặc biệt là các mã số cũng như các yếu tố liên quan đến kiểm dịch thực vật, như vậy khi đến cửa khẩu sẽ làm thủ tục thông quan một cách nhanh nhất.
Thứ hai, đối với hàng xuất khẩu đi Trung Quốc là phải theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn WTO và xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế là xuất chính ngạch nên hàng hóa từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc là hàng xuất khẩu chính ngạch nên thủ tục phải theo tiêu chuẩn cửa khẩu quốc tế.
Thứ ba, liên quan đến việc kết nối với các doanh nghiệp. Hiện nay có những mặt hàng vẫn phải qua một đơn vị trung chuyển nên các doanh nghiệp ở tận miền Tây hoặc miền Đông có thể kết nối và xuất khẩu trực tiếp với doanh nghiệp phía Vân Nam, Hà Khẩu với hình thức là chuyển qua một đơn vị trung gian để thông quan nhanh và hiệu quả.
Áp lực lớn hơn cho hàng hoá nông sản Việt
Gần đây, Trung Quốc đã khai thông đường sắt Lào - Thái Lan khi đi vào hoạt động chính thức sẽ rút ngắn khoảng một ngày thời gian vận chuyển các hàng nông sản và giảm chi phí vận chuyển khoản 20% từ Thái Lan và Lào vào thị trường Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Đây là một vấn đề đặt ra cho chúng ta, nếu nông sản Việt không cải tiến chất lượng, không đảm bảo chất lượng, mẫu mã và giảm chi phí giá thành sản phẩm thì đây sẽ là một thách thức lớn đối với nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Chính vì vậy tôi mong Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, các địa phương, các doanh nghiệp và các hiệp hội suy nghĩ phối hợp để chúng ta có những giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới. Song không vì lý do này mà chúng ta chờ đợi mà cần phải thúc đẩy bằng nhiều cách nhiều giải pháp”.