Theo tin từ Bộ Giao thông Vận tải, vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, đơn vị này sẽ đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45 ở phía Bắc, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Nha Trang - Cam Lâm ở phía Nam vào khai thác.
Cụ thể, ngày 29/4, dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài hơn 63 km đưa vào khai thác sẽ tạo ra tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông kéo dài hơn 160 km kết nối từ Hà Nội đi các tỉnh miền Trung. Thời gian di chuyển từ thủ đô đi Thanh Hóa được rút ngắn còn khoảng 2 giờ thay vì 3 tiếng như hiện nay.
Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ kết nối tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cao Bồ - Mai Sơn để tạo cao tốc từ cửa ngõ phía Nam Hà Nội với các tỉnh miền Trung.
Giao thông thuận lợi là động lực lớn cho phát triển kinh tế xã hội
Đây được coi là trục giao thông huyết mạch trong hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Việc đưa cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sau hơn 2 năm triển khai vào khai thác cùng với các đoạn tuyến được đưa vào khai thác trước đó sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa cũng như các địa phương lân cận.
Tuyến đường này giúp giao thương giữa các tỉnh thuận tiện và nhanh chóng, góp phần hình thành và thúc đẩy các ngành nghề, các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển.
Ở phía Nam, Bộ Giao thông vận tải cũng khánh thành các đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Khi đó, tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được kết nối với các đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây tạo cao tốc dài hơn 250 km, nối TP.HCM đi Bình Thuận. Theo tính toán, thời gian di chuyển từ trung tâm kinh tế phía Nam TP.HCM tới “thủ phủ resort” Phan Thiết rút ngắn còn 2 tiếng rưỡi thay vì 4 giờ đồng hồ như hiện nay.
Tuyến cao tốc mới sẽ khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương trong vùng, là nhân tố tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho các địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bình Phước...
Đầu tiên, lĩnh vực vận tải hưởng lợi. Khả năng lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong khu vực thuận lợi hơn, đặc biệt tuyến đường từ cảng Cát Lái (TP.HCM) đến các khu công nghiệp ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Xuân Lộc (Đồng Nai).
Thậm chí, tỉnh Đồng Nai quy hoạch các cụm công nghiệp Sông Quế, Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, kết nối giao thông vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ngoài ra, tuyến cao tốc nối dài mới còn là hạ tầng giá trị chờ sẵn cho siêu dự án sân bay Long Thành sắp tới.
Tiếp đó, các đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đấu nối với TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng thúc đẩy du lịch khu vực phát triển mạnh mẽ. Việc vận chuyển hành khách từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM đến các địa danh du lịch như Mũi Né (Phan Thiết) thuận lợi hơn.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều nhà đầu tư về Bình Thuận để tìm cơ hội. Tỉnh Bình Thuận cũng triển khai nâng cấp hạ tầng địa phương để tạo ra sự kết nối giao thông đồng bộ.
Mới đây, 8 km đầu tiên của dự án làm mới trục đường ven biển ĐT 719B Phan Thiết - Kê Gà vừa được thông xe kỹ thuật. Tỉnh cũng coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đặt mục tiêu đón 6,7 triệu lượt khách trong năm 2023.
Cuối cùng, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào khai thác ngày 19/5 có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hoà.
Cao tốc này cùng với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành đầu năm 2024 sẽ giúp kết nối Khánh Hoà với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM thuận lợi hơn.