Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 29.496 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn trong kỳ là 26.301 tỷ đồng, giảm chậm hơn mức giảm của doanh thu khiến biên lợi nhuận co hẹp từ 17,5% xuống 10,8%.
Doanh thu tài chính tăng gần 12% so với cùng kỳ lên 740 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lại giảm 33,6% so với cùng kỳ, xuống 1.349 tỷ đồng, chủ yếu do bớt lỗ chênh lệch tỷ giá. Chi phí bán hàng giảm 26,7%, về 540 tỷ đồng, song chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 2,8 lần, lên 332 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, Hòa Phát báo lãi sau thuế là 1.448 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này vẫn gấp 3,78 lần so với quý I/2023.
Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận giảm, Hòa Phát cho biết chủ yếu do chi phí sản xuất tăng, sản lượng bán hàng giảm làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của tập đoàn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 56.085 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 1.831 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 31% và 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty đã thực hiện được 37% kế hoạch doanh thu và 23% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của công ty ở mức 176.294 tỷ đồng, tăng 5.959 tỷ đồng, tương đương 3,5% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn 32.000 tỷ đồng (giảm 7% so với đầu năm). Đến cuối quý II, lượng tiền mặt, các khoản tương đương tiền và tiền gửi của Hòa Phát là 36.100 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả đến cuối quý II của Hòa Phát là 78.434 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, gần 88% là tài sản ngắn hạn (tương đương 68.735 tỷ đồng). Nợ vay tại ngày 30/6/2023 là 60.627 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm, trong đó, nợ ngắn hạn tăng 10,6% lên gần 51.750 tỷ đồng, trong khi nợ dài hạn giảm hơn 20%, xuống 8.879 tỷ đồng.
Theo Hòa Phát, trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong và ngoài nước còn yếu, nửa đầu năm, sản lượng thép thô của tập đoàn giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,86 triệu tấn. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022, đạt 2,9 triệu tấn.
Qua nửa đầu năm, thép xây dựng của Hòa Phát đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 30%. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát cũng cung cấp 36.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam. Đồng thời, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước là 1,2 triệu tấn HRC, giảm 15% so với cùng kỳ. Sản lượng ống thép và tôn Hòa Phát đều giảm nhẹ so với cùng kỳ, lần lượt đạt 325.000 tấn và 175.000 tấn.
Bên cạnh đó, Hòa Phát còn cho ra thị trường gần 50.000 tấn thép dự ứng lực các loại (PC Bar, PC Strand, PC Wire), giảm 37% so với nửa đầu năm 2022.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, gần đây, giá bán heo, trứng gà đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Trứng gà sạch Hòa Phát hiện nằm trong top 3 nhà sản xuất lớn nhất Việt Nam và dẫn đầu tại miền Bắc với khoảng 900.000 quả/ngày.
Lĩnh vực điện máy gia dụng có những tín hiệu khởi sắc khi sản lượng điều hòa Funiki tăng trưởng 50% so với cùng kỳ.
Về bất động sản, Hòa Phát đang tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có. Tổng quỹ đất khu công nghiệp Hòa Phát được phê duyệt quy hoạch là hơn 1.133 ha.
Hiện Hòa Phát đang dồn lực triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm. Sau khoảng hơn 1 năm, dự án đã triển khai được khoảng 30% khối lượng công việc. Dự kiến, dự án Dung Quất 2 sẽ cho ra sản phẩm vào năm 2025.