Sản lượng cải thiện qua từng tháng
Theo thông tin vừa công bố, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho biết, trong tháng 6/2023, tập đoàn này sản xuất 520.000 tấn thép thô, giảm 23% so với cùng kỳ 2022.
Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 540.000 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ 2022 nhưng là mức cao nhất kể từ đầu năm nay.
Trong đó, thép xây dựng ghi nhận 286.000 tấn, giảm 18% so với tháng 6/2022 nhưng tăng nhẹ so với tháng 5 vừa qua. Kết quả này chủ yếu nhờ sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát ở miền Trung và miền Nam tăng trưởng cao so với tháng 5, lần lượt 30% và 69%.
Với 251.000 tấn, sản phẩm HRC của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đạt mức cao nhất tính từ tháng tháng 11/2022 đến nay và tăng 24% so với tháng 6/2022.
Theo Hòa Phát, nhu cầu của các nhà máy sản xuất ống thép, tôn mạ tại thị trường miền Bắc và miền Trung tăng đã góp phần giúp sản lượng thép cuộn cán nóng cải thiện đáng kể trong tháng 6 vừa qua.
Sản phẩm hạ nguồn HRC gồm ống thép và tôn mạ các loại của Hòa Phát cũng tăng nhẹ so với tháng 5/2023 và cũng là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Riêng mặt hàng tôn có mức tăng 42% so với cùng kỳ 2022.
Lũy kế 6 tháng, Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Qua nửa đầu năm, thép xây dựng của Hòa Phát đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 30%. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát đã cung cấp 36.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam.
Thép HRC đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước là 1,2 triệu tấn, giảm 15%. Ống thép và tôn Hòa Phát đạt sản lượng lần lượt 325.000 tấn và 175.000 tấn, giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2022.
Trước đó, trong tháng 5, sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) của Hòa Phát đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 16% so với tháng 4/2023 trước đó. Đây cũng là mức tiêu thụ thép cao nhất của doanh nghiệp đầu ngành thép kể từ đầu năm.
Xuất hiện một số tín hiệu tích cực nhưng ngắn hạn vẫn còn thách thức
Thực tế, ngành thép nói chung gần đây đang đón một số tín hiệu tích cực khi sản lượng sản xuất và bán hàng đều có cải thiện qua các tháng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thành phẩm trong tháng 5/2023 đạt 2,224 triệu tấn, tăng 2,3% so với tháng 4/2023. Bán hàng thép các loại đạt 2,309 triệu tấn, tăng 13,62% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ 2022.
Dù vậy, tính chung 5 tháng, sản xuất thép thành phẩm vẫn giảm 21,8% so với cùng kỳ, đạt 11,091 triệu tấn. Bán hàng thép thành phẩm cũng giảm 19,3% so với cùng kỳ, đạt 10,409 triệu tấn. Tuy nhiên, điểm sáng là xuất khẩu thép vẫn tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,154 triệu tấn.
Nguồn: VSA
Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) vào cuối tháng 5/2023, nhu cầu thép toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2023 sau khi giảm 3,2% năm 2022. Đông Á và Đông Nam Á sẽ đóng góp phần lớn tăng trưởng nhu cầu năm 2023, bù đắp cho sự suy yếu ở châu Âu và Mỹ. WSA dự kiến nhu cầu thép năm 2023 sẽ tăng 40,8 triệu tấn đạt 1,8 tỷ tấn.
Kỳ vọng thị trường thép phục hồi trong nửa cuối năm là một phần cơ sở để các nhà sản xuất thép tái khởi động lại các lò cao đã đóng vào cuối năm ngoái khi thị trường sụt giảm. Theo đó, Hòa Phát đã có kế hoạch mở lại lò cao và Pomina cũng dự định phát hành cổ phiếu bổ sung vốn nhằm khởi động lại lò cao.
Tuy nhiên, dù có triển vọng để phục hồi trong dài hạn nhưng ngành thép cũng đang phải đối mặt với một số thách thức ngắn hạn. Theo VSA, hiện nhu cầu thép trong nước vẫn yếu nên các nhà máy cạnh tranh liên tục điều chỉnh giảm dần, và mới có đợt giảm chương trình hỗ trợ vào trung tuần tháng 6/2023.
Thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều; cùng với hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng nên sử dụng thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng sau tết.
Trong khi đó, nhu cầu thép yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.
Trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) dự báo, giá thép thế giới có thể đi ngang trong nửa cuối năm 2023 bởi triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan, thị trường bất động sản ở Trung Quốc vẫn ảm đạm.
Đối với thị trường trong nước, nhu cầu có sự phục hồi từ đáy nhưng vẫn còn yếu đã gây áp lực lớn lên giá thép ngay cả trong giai đoạn giá mặt hàng này trên thế giới phục hồi. Giá thép xây dựng trong nước đã có 11 lần điều chỉnh giảm liên tiếp kể từ đầu tháng 4. Agriseco cho rằng, tiêu thụ thép xây dựng trong quý 2/2023 vẫn sẽ yếu do thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.
Tương tự, Chứng khoán VNDirect cũng nhận định dù đã có một loạt chính sách được ban hành để gỡ khó cho thị trường bất động sản trong nước nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản sẽ “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để.
Theo VNDirect, nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Và mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, nhưng VNDirect dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.
Ngoài ra, VNDirect cho biết, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của một số doanh nghiệp thép niêm yết, hầu hết ban lãnh đạo đều đưa ra thông điệp thời điểm khó khăn nhất đối với ngành thép đã qua, tình hình đã được cải thiện trong quý 1/2023 và gần như chắc chắn sẽ có lãi trong quý 2/2023 cũng như cả năm 2023 sẽ có lãi trở lại.
Tuy nhiên, VNDirect nhìn nhận, nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ yếu trong suốt cả năm 2023, tình hình bán hàng trong quý 3/2023 rất khó dự báo và sẽ phải rất nỗ lực thì nhóm các công ty này mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.