Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), đối với Quy định của Nghị viện Châu Âu về chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), diện tích phá rừng và gây suy thoái rừng lấy thời điểm từ ngày 31/12/2020 trở lại đây, và thời gian cho doanh nghiệp lớn chuẩn bị là 18 tháng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là 24 tháng. Đến ngày 01/01/2025, EU sẽ thực hiện giám sát các nước sản xuất đưa cà phê sang Châu Âu, các sản phẩm cà phê trồng trên những diện tích phá rừng sẽ bị trả về.
Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc như thế nào để được Châu Âu chấp thuận?
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa cho biết, đối với quy định của Nghị viện châu Âu về chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), Việt Nam là một trong những nước tham gia tích cực nhất trong việc thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo vệ thiên nhiên. Ngay từ tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức rất nhiều cuộc họp liên quan đến các địa phương, các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ bàn bạc tìm ra lộ trình để thực hiện theo EUDR.
“Bắt đầu từ tháng 6/2023, Châu Âu sẽ thực hiện EUDR và thời hạn tối đa là ngày 01/01/2024, nhưng đến nay họ vẫn chưa đưa ra những quy định cụ thể, như: Quy định về truy xuất nguồn gốc, tính hợp pháp của các diện tích trồng cà phê để truy xuất nguồn gốc. Do vậy, các nước nói chung là ngành Cà phê thế giới nói chung đang kiến nghị Liên minh châu Âu trong việc đưa ra những quy định cụ thể để các nước sản xuất thực hiện”, ông Hải nói.
Còn theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group, thực tế ảnh hưởng của EUDR đối với vấn đề chống phá rừng lên cà phê Việt Nam là rất nhỏ. Nếu tính sau năm 2000, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, Việt Nam chỉ có khoảng 220 ha bị ảnh hưởng và chủ yếu tập trung ở tỉnh Đắk Nông.
Bộ NN-PTNT, Vicofa và các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đã tổ chức triển khai khẩn trương để đến ngày 01/01/2025, kịp đi vào thực hiện EUDR, đặc biệt là Bộ chủ quản đã làm việc với EU về chống phá rừng, qua đó cho thấy thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc làm tốt vấn đề này. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây không phải ở diện tích nhỏ hay lớn mà là Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc như thế nào để được châu Âu chấp thuận vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Chúng tôi hy vọng có sự can thiệp của Chính phủ Việt Nam, Bộ NN-PTNT thì vấn đề chống phá rừng của cây cà phê không quá khó, mà quan trọng là EU sử dụng công cụ gì để Việt Nam có thể cung cấp các tài liệu đảm bảo khi hàng Việt Nam đến EU không xảy ra sự cố. Câu chuyện chỉ nằm ở chỗ này”, ông Nam nêu vấn đề.
Việt Nam là thành viên tích cực nhất tham gia vào EUDR
Ở góc nhìn vừa là Phó chủ tịch Vicofa vừa là một trong các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, Chính phủ Việt Nam, Bộ NN-PTNT và Vicofa đang rất tích cực và nỗ lực làm việc với EU để sẵn sàng thực hiện các quy định của EUDR. So với các nước khác thì Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất.
Nhằm đóng góp tích cực vào sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ EUDR, tháng 11/2023, tại TP Pleiku (Gia Lai), Vĩnh Hiệp và Công ty JDE (Jacobs Douwe Egberts) tổ chức lễ khởi động dự án “Nâng cao năng lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ sản xuất cà phê cho cộng đồng người dân tộc bản địa; thúc đẩy sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ EUDR trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Kon Tum” (Dự án).
Dự án có kinh phí 581.888 EUR (tương đương 16 tỷ đồng) được thực hiện trong thời gian 5 năm, tại các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Păh thuộc tỉnh Gia Lai và các huyện Đak Hà, Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum.
Dự án hướng dẫn hỗ trợ cho khoảng 10.000 nông hộ sản xuất cà phê, nâng cao khả năng tiếp cận kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh; thúc đẩy liên kết sản xuất và chuyển giao mô hình kỹ thuật tốt vào sản xuất; nâng cao nhận thức về quản lý tài chính nông hộ, tự chủ tài chính và bình đẳng giới, quyền của người lao động trong các nhóm liên kết sản xuất. Đồng thời, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất-kinh doanh cà phê và thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ cho đáp ứng quy định của châu Âu về sản xuất không phá rừng EUDR.