Đại diện Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, bắt đầu từ tháng 12/2022, doanh nghiệp này phối hợp với các đại lý thuộc đường sắt các nước Trung Quốc, Kazakhstan khởi động chạy đoàn tàu chuyên container giữa Việt Nam và Kazakhstan.
Đại diện Ratraco cho biết, đây không phải là lần đầu tiên đường sắt Việt Nam sử hệ thống đường sắt để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua lục địa Á - Âu. Trước đây hầu hết mặt hàng điện tử xuất khẩu từ Việt Nam được vận chuyển sang các nước Trung Á bằng đường biển với thời gian thông thường mất khoảng 50 ngày.
Việc sử dụng tuyến đường vận chuyển mới bằng đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc sau đó tiếp chuyển đi Kazakhstan giảm ít nhất một nửa thời gian so với đường biển, đồng thời cũng giải quyết các vấn đề giao thông vận tải giữa các nước thuộc khối ASEAN và những quốc gia thuộc khu vực Trung Á.
Toàn bộ hàng hóa là hàng điện tử được xuất phát từ TP.HCM vận chuyển ra Hà Nội, sau đó tiếp tục vận chuyển tới Tây An (Trung Quốc) và tiếp chuyển đến Almaty (Kazakhstan).
Đoàn tàu chuyên container liên vận quốc tế xuất phát tại ga Yên Viên (Hà Nội) với khoảng 24 container đi sang đường sắt Trung Quốc. Trong tháng 12/2022, đường sắt tổ chức vận chuyển được khoảng 70 container.
“Do ảnh hưởng chiến sự giữa Nga và Ukraine, tàu liên vận quốc tế từ Yên Viên - Việt Nam đi Liege - Bỉ qua Nga phải tạm dừng từ giữa tháng 3/2022. Các chủ hàng e ngại, không lựa chọn vận chuyển đường sắt.
Đối với các đoàn tàu quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ 3 như Kazakhstan, Mông Cổ, Nga, đường sắt Việt Nam vẫn tổ chức chạy thường xuyên thông qua kế hoạch vận chuyển liên vận hàng tháng với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước”, đại diện Ratraco cho biết.
Tuy nhiên, trong năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ 3 gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về chính sách “Zero COVID”, các hạn chế về kế hoạch tiếp nhận hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam qua Trung Quốc đến các nước thứ 3.