Indonesia là một trong 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn và truyền thống của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á. Sau 3 năm không phải nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia thì năm 2022 nước này đã nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Trong đợt nhập khẩu năm 2022, Việt Nam và Thái Lan là hai nước cung cấp gạo dự trữ nhiều nhất cho Indonesia.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia được 85.925 tấn, trị giá gần 41 triệu USD, chiếm 23,91% tổng khối lượng xuất khẩu gạo và chiếm 21,93% tổng kim ngạch của cả nước.
Tháng 2/2023, xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 57.861 tấn, trị giá 26,37 triệu USD, tăng 135,72 lần về lượng và tăng 119,34 lần về giá trị so với tháng 2/2022.
Cộng dồn 2 tháng đầu năm đạt 143.786 tấn với kim ngạch 67, 30 triệu USD, tăng 338,32 lần về lượng và tăng 304,55 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ Indonesia tăng nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia lên 2 triệu tấn
Ngày 27/3/2023, tờ Tempo.com Jakarta đưa tin, Chính phủ Indonesia đã chính thức quyết định nối lại nhập khẩu gạo.
Thông qua một công văn phân công, người đứng đầu Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas) Arief Prasetyo Adi đã yêu cầu cho Cơ quan Hậu cần quốc gia (Bulog) nhập khẩu 2 triệu tấn gạo từ nay cho đến tháng 12/2023.
Quyết định nhập khẩu 2 triệu tấn gạo cũng đã được Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan xác nhận và cho biết thêm “Quyết định đã được đưa ra tại một cuộc họp kín”.
Ông Arief thông tin thêm, lô hàng 500.000 tấn đầu tiên sẽ được nhập khẩu ngay lập tức. Quyết định mua gạo từ nước ngoài đã có tính đến lợi ích của các nhà sản xuất trong nước, đến các khía cạnh trách nhiệm giải trình và quản trị tốt theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào ngày 24/03/2023, tại phiên họp về đảm bảo lương thực, thực phẩm và công tác chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ hồi giáo Idul Fitri, do Tổng thống Joko Widodo chủ trì, Chính phủ Indonesia đã ra quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể, và Bulog tiếp tục được chỉ định là đầu mối nhập khẩu.
Mặt khác, liên quan tới gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì 1,2 triệu tấn như hiện nay nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Indonesia sẽ chọn nhập khẩu loại gạo 5% tấm
Trước thông tin trên, trao đổi với chúng tôi, một số thương nhân xuất khẩu gạo ở TP.HCM cho biết, Việt Nam với cơ cấu gạo xuất khẩu xoay quanh 6,3 triệu tấn/năm thì lượng gạo cấp thấp phải có khoảng 1,5 triệu tấn để phục vụ nhu cầu thị trường thế giới.
Tuy nhiên, có một thực tế là Việt Nam đang giảm dần diện tích các giống cấp thấp như IR 50404, OM 380 và vụ lúa Đông Xuân năm nay lại giảm tiếp nên diện tích trồng các giống này chỉ còn khoảng 6% trên tổng diện tích sản xuất của khu vực.
Như vậy, sản lượng loại gạo này (chưa trừ tiêu dùng nội địa) chỉ còn khoảng 400.000 tấn, cộng với nguồn lúa từ Campuchia mỗi năm về từ 1 – 1,5 triệu tấn lúa/năm, sẽ nâng lượng gạo trắng thường của Việt Nam lên trên 1 triệu tấn/năm.
Do đó, nếu Indonesia nhập khẩu, chắc chắn họ sẽ chọn mua loại gạo 5% tấm trắng thường và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có đủ loại gạo này để tham gia đấu thầu cung cấp gạo cho Indonesia.
Trước tín hiệu tăng nhập khẩu gạo từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết lúa, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.
Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang có nhiều biến động.
Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân (nếu cần).