Đó là thông tin được đưa ra trong Báo cáo thực trạng nhân sự ngành sản xuất 2023 do Navigos Group - đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự vừa phát hành.
Báo cáo được thực hiện dựa trên nguồn dữ liệu phân tích hơn 1.000 lao động làm việc ở nhiều vị trí và 500 doanh nghiệp quy mô từ dưới 100 đến hơn 10.000 lao động thuộc nhóm ngành sản xuất như dệt may, da giày, hàng tiêu dùng, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp...
Hơn 50% doanh nghiệp sụt giảm từ 10- 40% doanh thu
Theo báo cáo, hơn 50% doanh nghiệp mỗi ngành ghi nhận sụt giảm từ dưới 10% đến trên 40% tổng doanh thu trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn có ít nhất 9%, và nhiều nhất 50% doanh nghiệp các ngành ghi nhận doanh thu giữ nguyên, chưa bị ảnh hưởng hoặc vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.
Cụ thể, ngành công nghệ cao nổi bật với 28% doanh nghiệp tăng trưởng và 21% sụt giảm doanh thu thấp (dưới 10%). Ngành dệt may/da giày lại có đến 44% doanh nghiệp sụt giảm 20 - 40% doanh thu và chỉ có 8% doanh nghiệp tăng trưởng. Ngành dược phẩm/công nghệ sinh học có 37% doanh nghiệp sụt giảm dưới 20% doanh thu và 21% vẫn tiếp tục tăng trưởng. Ngành nông nghiệp/lâm nghiệp có 42% doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng và không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Ngành sản phẩm công nghiệp có 22% doanh nghiệp sụt giảm dưới 20% và 9% doanh nghiệp tăng trưởng. Ngành sản xuất hàng tiêu dùng/thực phẩm có 26% doanh nghiệp sụt giảm dưới 20% doanh thu và 21% không bị ảnh hưởng. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng có tới 91% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu. Ngành tự động hóa/ô tô cũng gặp phải khó khăn khi có đến 30% doanh nghiệp bị giảm doanh thu ở mức 20%. Các ngành khác có mức ảnh hưởng cao khi 33% doanh nghiệp giảm đến trên 40% doanh thu của mình.
Sự sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp phần lớn cùng lúc chịu ảnh hưởng từ cả 2 yếu tố là nguồn cầu trong nước và nước ngoài.
Khi được hỏi về yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu, có ít nhất 33% các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực tham gia khảo sát ghi nhận ảnh hưởng cùng lúc đến từ nguồn cầu trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng ngành nghề khác nhau, mức độ ảnh hưởng của 2 yếu tố này cũng có sự khác biệt nhất định.
Thu nhập của người lao động giảm mạnh
Navigos Group cho biết, duy trì hoặc thu hẹp quy mô là hai giải pháp hàng đầu được các doanh nghiệp lựa chọn ứng biến với bối cảnh suy thoái kinh tế.
Trung bình 41% doanh nghiệp mỗi ngành cho biết ưu tiên sử dụng giải pháp duy trì quy mô hiện tại. Ngược lại, trung bình 30% doanh nghiệp khác lựa chọn thu hẹp quy mô.
Tuy vậy, vẫn có khoảng 7 - 25% doanh nghiệp mỗi ngành cho biết sẽ mở rộng thêm quy mô, và dưới 36% còn lại nhận đơn gia công thêm mặt hàng khác. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng hết mình để ứng biến và duy trì hoạt động trong bức tranh kinh tế ảm đạm.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp chọn giải pháp thu hẹp quy mô. Các doanh nghiệp ưu tiên áp dụng giảm giờ làm và cắt giảm lao động cho mục đích thu hẹp quy mô.
Giảm giờ làm và cắt giảm lao động là hai sự lựa chọn chiếm ưu thế với tỷ lệ trung bình 38 - 38,5% doanh nghiệp thực hiện ở mỗi ngành. Theo sau đó, khoảng 4 - 33% doanh nghiệp giảm bớt dây chuyền, và cuối cùng là chỉ khoảng dưới 9% doanh nghiệp chọn giải pháp đóng cửa bớt nhà máy.
Đối với doanh nghiệp chọn giải pháp cắt giảm nhân sự. Đa số các doanh nghiệp được khảo sát đều cắt giảm nhân sự dưới 10%.
Khó khăn của doanh nghiệp kéo theo thu nhập của lao động giảm mạnh. Phần lớn người lao động trong ngành sản xuất đối mặt với việc cắt giảm 30 - 50% lương.
Theo thống kê, có 58% người lao động ngành sản xuất bị cắt giảm 30 - 50% tổng lương, 34% bị cắt giảm 10% tổng lương, 6% người lao động bị cắt giảm 10 - 30% tổng lương. Chỉ có 2% bị cắt giảm nhiều hơn 50% tổng lương. Bên cạnh đó, họ cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ.
Để ứng phó với khó khăn, 60% người lao động chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt, 37% làm thêm bên ngoài và chỉ có 3% chọn cách tăng ca nhiều hơn để tăng thu nhập.
Theo Navigos Group, một tín hiệu tích cực ghi nhận từ khảo sát là người lao động giai đoạn này đang tìm cách nâng cao kỹ năng và tay nghề để duy trì lợi thế cạnh tranh với mục tiêu tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.
Phần lớn người lao động chọn nâng cao kỹ năng quản lý (39%), kỹ năng quản lý tài chính (29%) và kỹ năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất (24%).
Ngoài ra, khi được hỏi về kỳ vọng đối với doanh nghiệp, người lao động mong muốn được duy trì mức lương, trợ cấp/phúc lợi và đảm bảo hợp đồng dài hạn. Trong giai đoạn này, 35% người lao động mong muốn không bị cắt giảm lương, 28% mong muốn được đảm bảo hợp đồng dài hạn, 28% mong muốn được duy trì trợ cấp/phúc lợi và 9% mong muốn được đảm bảo đủ số giờ làm việc.