Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) tính đến cuối năm 2022, Hồng Kông (Trung Quốc) hiện là đối tác đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam với gần 2.200 dự án đầu tư, có tổng số vốn đăng ký gần 30 tỷ USD; riêng năm 2022, Hồng Kông đã đăng ký đầu tư thêm vào Việt Nam hơn 2,2 tỷ USD...
Trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn hơn 70 doanh nhân, doanh nghiệp là thành viên các Hiệp hội và doanh nghiệp lớn từ Hồng Kông và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao (Trung Quốc) đến Việt Nam, trưa ngày 10/1/2023, Hội thảo kết nối hợp tác doanh nghiệp Việt Nam và Khu vực này đã được đại diện nhiều cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp hai bên đồng tổ chức; cùng sự tham dự của hơn 200 khách mời...
Thông qua hai Diễn đàn lớn tổ chức tại Hà Nội vào hôm nay và tại TP.HCM vào ngày 12/1 tới - cũng là sự kiện xúc tiến, đầu tư, thương mại, làm ăn quy mô lớn nhất giữa Hồng Kông và Khu vực này với Việt Nam kể từ sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Ban tổ chức kỳ vọng các doanh nghiệp hai bên có thể gặp gỡ nhau để kết nối trực tiếp, tìm hiểu nhu cầu để từ đó có thể hình thành các dự án đầu tư cụ thể...
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, kể từ cuối năm 2019, thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ. Dịch bệnh COVID-19 cùng những yếu tố rủi ro, bất định mới, đặc biệt là khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu xuất... đang làm thay đổi phương thức hợp tác thương mại và kinh tế thế giới; nhiều tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, phát huy mạnh mẽ nội lực kết hợp hài hòa với hội nhập quốc tế, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa kiểm soát dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”; giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng GDP đạt mức cao trong khu vực.
Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP gần 410 tỷ USD. GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 2,58% và năm 2022 đạt 8,02% thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Kim ngạch thương mại năm 2022 đạt trên 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021, đã đưa Việt Nam vào Top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Về quan hệ hợp tác đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và Hồng Kông, Thứ trưởng Đông cho biết đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần rất lớn vào sự phát triển trong quan hệ kinh tế của hai bên.
Theo đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hồng Kông. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên đạt 13,5 tỷ USD chủ yếu là các mặt hàng gồm máy tính, các sản phẩm và linh kiện điện tử. Tính đến tháng 11/2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hồng Kông 10 tỷ USD, nhập khẩu từ Hồng Kông 1,78 tỷ USD, tăng 19,8%.
Chiều ngược lại, Hồng Kông hiện đứng thứ 5 về vốn đầu tư FDI tại Việt Nam với 2.164 dự án, tổng vốn đầu tư đạt gần 29,5 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản, sản xuất, phân phối điện, khí, nước... Trong đó, có một số dự án quy mô lớn, đóng góp quan trọng trong việc phát triển một số lĩnh vực kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Hợp tác đầu tư giữa hai bên có sự gắn kết chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo kết nối hợp tác doanh nghiệp Việt Nam và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao. Ảnh: Tuấn ViệtÔng Đông cho biết, dự báo kinh tế thế giới năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo mức tăng GDP của Việt Nam khoảng 6,5%. Moody’s và S&P đều xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”. Theo WIPO, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Việt Nam về thể chế, phát triển thị trường, sáng tạo tăng hơn 20 bậc, xếp vị trí 48/132 quốc gia.
“Với những tín hiệu tích cực và khả quan trong sự phục hồi của nền kinh tế, tận dụng những lợi thế sẵn có, cùng với những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Theo UNCTAD, Việt Nam là 01 trong 20 nước tiếp nhận nhiều nhất FDI trên thế giới”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Ông Đông khẳng định, Việt Nam luôn hoan nghênh các nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đô thị thông minh, dịch vụ logistics, thương mại và dịch vụ, tài chính xanh... Bởi đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Hông Kông có thế mạnh và cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư.
Đồng thời, cùng với nỗ lực chung của hai bên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ cam kết sẽ tiếp tục tham mưu những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó, sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.
“Với sự quyết tâm của các cơ quan hữu quan hai bên, cùng sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, mối quan hệ kinh tế Việt Nam – Hồng Kông sẽ phát triển lên tầm cao mới, ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, hướng đến sự phồn vinh và phát triển bền vững của hai bên và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Bước khởi đầu cho trang hợp tác mới hậu COVID-19
Tại sự kiện, ông TS. Jonathan Choi, Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hồng Kông (CGCC) nhận định, với lợi thế là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, đặc biệt là trong giai đoạn hậu đại dịch, Việt Nam đang là điểm đến mới đầy sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là Hồng Kông và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao.
Trong khi đó, thế mạnh của Hồng Kông trong việc kết nối hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc đại lục và các nước ASEAN đã được công nhận từ lâu. Với vị thế là trung tâm tài chính, thương mại và hàng không quốc tế, trung tâm văn hóa và đổi mới sáng tạo, Hồng Kông còn là “siêu kết nối” giữa Trung Quốc đại lục và thế giới. Bên cạnh đó, Hồng Kông còn là cửa ngõ quan trọng để các công ty từ Trung Quốc Đại lục đầu tư vào Việt Nam.
Ông Jonathan Choi nhìn nhận, các hoạt động thương mại của Việt Nam có sự gắn kết chặt chẽ với Khu vực Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao, một thị trường rộng lớn khoảng 86 triệu dân với những lợi thế nổi bật như tài nguyên phong phú, công nghiệp dịch vụ và quy mô kinh tế hiện đại...
Thêm vào đó, sự gần gũi về văn hóa và địa lý cũng đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Hồng Kông và và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông – Ma Cao trên rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư và du lịch.
"Với những thành tựu phát triển gần đây của mỗi bên, chúng tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều dư địa hợp tác song phương, cụ thể trong các lĩnh vực nông sản, dịch vụ tài chính, công nghệ và đổi mới sáng tạo", TS. Jonathan Choi nói.
TS. Jonathan Choi (giữa) hiện cũng đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Vùng Vịnh Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao (GBA Union), Phòng Thương mại Hồng Kông - Việt Nam (HKVCC) và là Chủ tịch Tập đoàn Sunwah.Đại diện cho những mong muốn, kỳ vọng của Chính quyền Hồng Kông trong việc hỗ trợ xúc tiến kết nối hợp tác doanh nghiệp giữa hai bên thời kì sau đại dịch - ông Algernon Yau, Cục trưởng Cục Phát triển Thương mại và Kinh tế Hồng Kông cho biết: “Mặc dù tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng rất nhanh trong vài năm gần đây, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, mang tới nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn 60 doanh nhân Hồng Kông đến Việt Nam lần này chính là minh chứng rõ ràng nhất”.
Theo ông Algernon Yau, với Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông có hiệu lực từ năm 2019, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế đang ngày càng bền chặt. Trong đó, để tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, Hồng Kông đã đề xuất gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP mà Việt Nam cũng là thành viên. "Điều này cũng có nghĩa quan hệ song phương sẽ còn được tăng cường hơn nữa", Cục trưởng Cục Phát triển Thương mại và Kinh tế Hồng Kông nói.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin về thu hút FDI của Việt Nam tại sự kiện. Ảnh: Tuấn ViệtTại sự kiện, với vai trò đại diện đơn vị đồng tổ chức, Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có bài tham luận phát biểu về tình hình kinh tế Việt Nam và những chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới như những ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế...
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến đầu tư Hồng Kông-Việt Nam giữa Cục Đầu tư nước ngoài và các hiệp hội CGCC, GBA Union, HKVCC cũng đã được tổ chức dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các bên.
Hội thảo Kết nối hợp tác doanh nghiệp Việt Nam và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Macao (Trung Quốc) là một trong các sự kiện trọng tâm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác hơn 70 doanh nhân thành viên các Hiệp hội và doanh nghiệp lớn từ Hồng Kông và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao (Trung Quốc) đến Việt Nam từ ngày 8-14/1/2023 do Tiến sĩ Jonathan Choi, Chủ tịch CGCC, Hiệp hội Doanh nhân GBA Union, HKVCC và Chủ tịch Tập đoàn Sunwah dẫn đầu.
Tiếp sau sự kiện tại Hà Nội, đoàn sẽ phối hợp với các bộ ngành của Chính phủ Việt Nam tổ chức Hội thảo tại TP.HCM vào ngày 12/1; đồng thời có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ, gặp lãnh đạo TP.HCM, kết hợp các chuyến thăm thực địa tới các công ty Việt Nam và tổ chức liên quan nhằm phát triển hơn nữa các cơ hội hợp tác trong thời kỳ mới...