Theo bài viết, năm 2022 là năm đan xen nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với Việt Nam. Đứng trước các yếu tố gây bất lợi như môi trường quốc tế diễn biến phức tạp, dịch bệnh tiếp tục lây lan,... Việt Nam đã thích ứng linh hoạt thông qua điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời nắm bắt cơ hội.
Tác giả bài viết đánh giá Chính phủ Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận đa chiều khi thực thi chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, theo đó phối hợp hiệu quả giữa phát triển kinh tế và phòng, chống dịch bệnh. Kết quả là nền kinh tế Việt Nam đã từng bước lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh trên các lĩnh vực.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và khôi phục hoạt động của Việt Nam là 1,633 triệu doanh nghiệp; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất kể từ năm 2018. Đáng chú ý, Việt Nam đã mở cửa toàn diện vào tháng 3/2022, tạo điều kiện thúc đẩy ngành dịch vụ phục hồi với mức tăng 10,57% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 54,17%.
Bên cạnh đó, bài viết cũng nhận định về 2 rủi ro tiềm ẩn chính. Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố phát sinh có thể tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. Các yếu tố có thể kể đến gồm tình trạng giá nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển tăng vọt, cũng như đứt gãy nguồn cung do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, hay những tác động từ suy thoái kinh tế ở Mỹ và các nước phương Tây...
Thứ hai, dư địa tài khóa trong nước đang bị thu hẹp, trong khi tỷ lệ lạm phát và nợ xấu ngân hàng cao, cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là sự gia tăng nhanh tín dụng bán lẻ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Việt Nam cũng nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2022 bị thu hẹp, áp lực tín dụng gia tăng và hệ thống thuế thiếu ổn định.