Với tổng cộng 3 mẫu xe cạnh tranh ở phân khúc SUV đô thị tại thị trường Việt Nam (A+ đến B+), Toyota chính là hãng tham gia tích cực nhất ở phân khúc này. Tuy nhiên, thương hiệu Nhật Bản lại không phải “vua doanh số” ở nhóm xe rất được ưa chuộng kể trên.
Trong năm 2023, ngôi vị này thuộc về Kia với 2 mẫu xe gồm Sonet và Seltos, tổng doanh số đạt 21.029 xe. Toyota chỉ xếp vị trí thứ 2 với 18.087 xe bán ra trong khi một “ông trùm” doanh số khác là Hyundai xếp vị trí thứ 3 với 10.899 xe SUV đô thị bán ra trong năm 2023.
2 thương hiệu lớn khác cạnh tranh trong phân khúc này gồm Honda (3.804 xe) và Mazda (3.157 xe). Thực tế, thị trường có thể có thêm một vài cái tên khác như Peugeot, VinFast hay Nissan cũng có đại diện tham gia nhưng không công bố doanh số chi tiết.
Với Kia, có vẻ như hãng này đang ngày càng hiểu gu mua xe của người tiêu dùng Việt khi cả 2 mẫu xe của hãng ở nhóm này là Seltos và Sonet đều có doanh số tốt. Sonet chính là SUV đô thị bán chạy nhất thị trường với 11.366 xe trong khi Seltos cũng xếp thứ 4 với hơn 9.600 xe.
Trong khi đó, Toyota vốn thống trị phân khúc này trong năm trước đã có dấu hiệu thụt lùi khi “át chủ bài” Corolla Cross có doanh số không tốt trong những tháng cuối năm. Nếu xét doanh số cả năm, model này cũng sụt giảm đến một nửa so với năm 2022, chỉ còn 10.485 xe.
Trong khi đó, cái tên mới là Yaris Cross về nước chưa lâu và nguồn hàng cũng chưa ổn định. Chỉ đến 2 tháng cuối năm, khi Toyota giảm giá mạnh cho Yaris Cross, doanh số sản phẩm mới nhích lên. Đây là đối thủ trực tiếp của Kia Seltos và Hyundai Creta. Trong khi đó, Toyota Raize rõ ràng đang tỏ ra thua sút trong cuộc đua với đối thủ Sonet.
Cũng cần nói thêm, cả 3 mẫu SUV đô thị của Toyota đều là xe nhập trong khi 2 mẫu xe của Kia lắp ráp trong nước, đồng nghĩa được hưởng chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ trong nửa cuối 2023 – là một lợi thế bán hàng không nhỏ.
Với Hyndai, việc gần như chỉ có 1 mẫu xe là Creta cạnh tranh rõ ràng khiến lựa chọn cho người dùng hạn chế hơn. Phải đến tháng 12, hãng mới đưa về chiếc Venue ở phân khúc A+ để đối đầu với Kia Sonet và Toyota Raize. Có thể, Venue sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong năm 2024 trong dải sản phẩm của Hyundai.
2 thương hiệu Nhật khác cũng tham chiến ở phân khúc này gồm Honda với HR-V và Mazda với CX-3 và CX-30 rõ ràng chỉ được xem là “gia vị” để tăng lựa chọn cho khách hàng thay vì đua doanh số một cách sòng phẳng. Honda HR-V đạt doanh số hơn 3.800 xe, tăng mạnh so với năm 2022 trong khi cộng dồn của CX-3 và CX-30 cũng chỉ đạt hơn 3.100 xe.
Việc Mazda áp chính sách giá chỉ từ 850 triệu cho Mazda CX-5 rõ ràng ảnh hưởng không ít đến những người có ý định mua CX-3 hay CX-30 bởi giá khởi điểm của CX-30 thậm chí còn cao hơn CX-5 trong khi CX-3 cũng chỉ thấp hơn khoảng 120 triệu.
Bước sang 2024, SUV đô thị được dự đoán vẫn sẽ là một trong những phân khúc sôi động nhất trên thị trường. Ngoài Hyundai Venue mở bán từ tháng 12, một mẫu xe đáng chú ý khác là Mitsubishi Xforce cũng vừa ra mắt trong tháng 1/2024 với tham vọng rất lớn.