Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc, chiều 23/6 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Bộ Công thương Hàn Quốc và Phòng Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc chủ trì tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023 với chủ đề “Hướng tới 30 năm quan hệ mới, Chiến lược hợp tác công nghiệp Việt - Hàn trong tương lai”.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và khoảng 500 doanh nghiệp, gồm khoảng 300 doanh nghiệp Hàn Quốc, 200 doanh nghiệp Việt Nam cùng tham dự.
Doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là thị trường chiến lược
Tại diễn đàn, ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung chia sẻ, tập đoàn đã đầu tư hơn 20 năm tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 20.000 tỷ Won (khoảng 3,5 tỷ USD) và khoảng hơn 9.000 lao động. Thời gian tới, doanh nghiệp coi Việt Nam là thị trường chiến lược, để tiếp tục mở rộng quy mô và hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
“Dự kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm 10.000 nhân lực tại Việt Nam.”, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung thông tin.
Ông Cho Hyun Joon nhận định, hoạt động hợp tác đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là một hình mẫu mà không nước nào khác có được.
"Tôi luôn tin tưởng rằng sự phát triển của Việt Nam sẽ đồng hành với sự phát triển của Hàn Quốc. Chúng tôi mong muốn đóng góp trong quá trình và muốn đặt tương lai 100 năm tới của tập đoàn tại Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Còn theo ông Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung, doanh nghiệp đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam, sự phát triển của Việt Nam chính là sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, sự thành công của Việt Nam chính là sự thành công của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Theo đó, Samsung tiếp tục khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Doosan Enebility cho biết, đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam với quy mô 300 triệu USD, với khoảng 1.600 nhân viên. Lãnh đạo Doosan Enebility bày tỏ mong muốn nếu Việt Nam có nhu cầu, tập đoàn này có thể tham gia vào phát triển dự án điện nguyên tử, đồng thời doanh nghiệp này cũng rất mạnh trong phát triển các dự án điện gió quy mô lớn.
“Chúng tôi có công nghệ chế tạo công nghệ tubin, tiên phong trong lĩnh vực điện gió, đã tham gia vào một số dự án điện gió Hàn Quốc. Doanh nghiệp của chúng tôi có thể đóng góp vào lĩnh vực điện gió Việt Nam”, đại diện Doosan Enebility bày tỏ.
Sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút những dự án đầu tư lớn
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong khoảng 6-7 năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn là đối tác đầu tư nước ngoài dẫn đầu trong việc đầu tư vào Việt Nam, vượt qua cả Singapore với 9.666 dự án, có tổng vốn đăng ký 81,5 tỷ USD.
Riêng 5 tháng đầu năm 2023, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các nhà đầu tư Hàn Quốc đã “rót” 666,52 triệu USD vào Việt Nam, đây là số vốn đăng ký của 167 dự án đầu tư mới, 122 dự án điều chỉnh vốn và 364 dự án góp vốn, mua cổ phần của các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Nhân sự kiện diễn đàn kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023, ông Hoàng cho biết, hàng chục dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đang chờ đầu tư vào Việt Nam.
"Có dự án hàng trăm triệu USD, có dự án lên đến cả tỷ USD", ông Hoàng thông tin.
Về định hướng thu hút đầu tư thời gian tới, ông Hoàng cho biết, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả về công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu .
“Ưu tiên các dự án có công nghệ tiến tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.”, ông Hoàng nêu rõ.
Về giải pháp để thu hút đầu tư các dòng vốn chất lượng, ông Hoàng cam kết, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan…
Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ ban hành những chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã và đang tìm kiếm các chính sách thích ứng linh hoạt hiệu quả như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng và nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế xã hội.