Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội được giao kế hoạch vốn tổng cộng 2.301 đồng cho 35 dự án. Nguồn vốn ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025, dự án từ năm 2016-2020 nhưng triển khai muộn giai đoạn 2021-2025 và dự án lớn đang thực hiện.
Cụ thể, 3 dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025 gồm cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, tuyến kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3.
7 dự án trọng điểm từ 2016-2020 nhưng triển khai muộn giai đoạn 2021-2025 và các dự án lớn, quan trọng đang triển khai gồm hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2, tuyến kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3, đường sắt đô thị số 3 Hà Nội, cầu qua sông Nhuệ trên tuyến đường Dịch Vọng - Phú Mỹ - Cầu Diễn và đường nối ra Quốc lộ 32, đường tỉnh 421B đoạn cầu vượt Sài Sơn qua khu hành chính huyện Quốc Oai, đường phát triển phía Tây Nam Quốc Oai.
25 dự án còn lại có quy mô nhỏ.
Hà Nội triển khai 35 dự án giao thông trong năm 2023
Ngoài ra, trong năm 2023, Hà Nội cũng tập trung nguồn lực để hoàn thành công tác chuẩn bị, khởi công “siêu dự án” đường Vành đai 4 dự kiến vào tháng 6.
Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, chia làm 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường đô thị theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư).
Tổng chi phí giải phóng mặt bằng hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 11.000 tỷ đồng, di chuyển điện cao thế 530 tỷ đồng, xây dựng các khu tái định cư 960 tỷ đồng, các chi phí khác 611 tỷ đồng.
Tổng đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng. Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, khởi công tháng 6 năm nay, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự kiến chính quyền Hà Nội sẽ thu hồi 812 ha đất từ nay đến năm 2024. Trong đó, đất thu hồi có 796 ha thuộc chỉ giới đường đỏ, 15 ha hoàn trả kênh mương nội đồng, gần 40 ha xây dựng các khu tái định cư.
Thành phố xây dựng 13 khu tái định cư trên địa bàn 5 huyện. Trong đó huyện Mê Linh xây 3 khu ở các xã Văn Khê, Đại Thịnh và Chu Phan. Huyện Đan Phượng xây 2 khu ở xã Hạ Mỗ và Hồng Hà.
Huyện Hoài Đức xây 2 khu tái định cư tại xã Đức Thượng và Đông La. Huyện Thanh Oai xây 2 khu ở Cự Khê và Tam Hưng. Huyện Thường Tín xây 4 khu tái định cư ở các xã Khánh Hà, Văn Bình, Hồng Vân và Vân Tảo.
Để có mặt bằng thi công cho Vành đai 4 vùng Thủ đô, hơn 800 hộ phải tái định cư, trong đó Mê Linh gần 300 hộ, Đan Phượng 115 hộ, Hoài Đức 115 hộ, Hà Đông 53 hộ, Thanh Oai 40 hộ, Thường Tín 201 hộ. 11.000 ngôi mộ, 43 cột điện cao thế cần di dời.