Quý 1/2023, tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ đạt 0,7%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng chung của cả nước.
Để vực dậy kinh tế TP.HCM từ "trận thua đậm" trong quý 1, như cách nói của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, bên cạnh nỗ lực của từng ngành, từng lĩnh vực, thành phố rất cần sự hỗ trợ từ phía trung ương, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ vướng mắc thể chế, cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đủ mạnh.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 được kỳ vọng tạo sức bật, chắp cánh cho thành phố phát triển đột phá, lan toả cho vùng và cả nước.
Tại tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển" do báo Người lao động tổ chức ngày 16/5, đề cập mức tăng trưởng thấp của TP.HCM trong quý 1, TS.Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng đây là hệ quả của một quá trình dài, cần đặt trong bối cảnh 5 năm hoặc 10 năm gần đây của TP.HCM để có cái nhìn đa chiều; cần thấy đây là thực trạng và là căn cơ của TP.HCM sau nhiều bối cảnh bị nghẽn.
Về Nghị quyết mới, TS. Vũ cho biết Nghị quyết có thể tóm tắt bằng 247. Đó là 2 nguyên tắc (gỡ rối, gỡ nghẽn - kiến tạo, thí điểm cái mới); 4 cách tiếp cận và 7 nhóm chính sách.
Về 2 nguyên tắc, nguyên tắc đầu tiên có những vấn đề vướng, chồng chéo như BT, BOT, vốn, đầu tư… cần phải được gỡ rối, gỡ vướng. Nguyên tắc thứ 2 được xác định không chỉ cho TP.HCM mà nhìn trong bối cảnh cả vùng, khu vực, nên sẽ kiến tạo, thí điểm những cái mới mà thế giới đã làm, đang làm, như xây dựng đô thị dựa trên các tuyến giao thông, khởi nghiệp sáng tạo, sandbox…
Về 4 cách tiếp cận là những cơ chế hiệu quả của Nghị quyết mới. Những cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương khác đang thực hiện hiệu quả; những vấn đề luật đang dự thảo như Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất được thí điểm, thực hiện trước; những vấn đề từ thực tiễn của TP.HCM.
Trong 7 nhóm chính sách là quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và TP.Thủ Đức, cơ chế mà TP đề xuất có rất nhiều cái mới. Một trong những điểm mới là nhóm chính sách về kinh tế xanh và chuyển đổi xanh. Đây là nhóm chính sách mà bản thân ông Vũ cũng như Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM rất tâm đắc và rất mong muốn thúc đẩy.
Trong chuyển đổi xanh, TP.HCM có đề xuất nhiều trụ cột. Đầu tiên rất quan trọng là TP.HCM đề xuất được phát triển điện áp mái trên các nhà trụ sở công (bệnh viện, trường học…) của thành phố. Kế đến là xin kiểm soát về khí thải; thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các dự án về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; đề xuất thành lập các cơ quan, sở, trong đó có Sở An toàn thực phẩm; đề xuất được thí điểm có kiểm soát (sandbox), tập trung trước mắt ở Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin trên địa bàn TP.HCM…
Cần kích tổng cầu nội địa qua 2 công cụ
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đề cập, kinh tế TP.HCM quý 1 giảm sâu ai cũng thấy, thành phố với độ mở đặc biệt, khi môi trường vĩ mô thuận lợi thì kinh tế thuận lợi, còn khi bất lợi thì thành phố cũng bị bất lợi theo. Nhưng khách quan, phải thấy rằng bước vào năm nay, TP.HCM chịu 3 tác động lớn về khách quan.
Một là hạ tầng, là vấn đề tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được, là điểm nghẽn không mới với rất nhiều dự án bị vướng.
Hai là chưa đánh giá hết những tác động, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất kinh doanh. TP.HCM có khoảng gần 400.000 hộ kinh doanh và kinh tế phi chính thức vẫn chưa thống kê được. Như chuyên gia này đã từng chia sẻ, sau COVID-19 có 3 nhóm doanh nghiệp là nhóm còn thị trường, còn tài chính sau dịch họ vươn lên được; nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp dật dờ và nhóm thứ 3 là các doanh nghiệp đã mất thị trường, mất khách hàng... Đến nay, vấn đề này vẫn chưa cải thiện.
Ba là tác động bất ổn của vĩ mô từ quý 4 năm ngoái tiếp tục lan sang năm nay. Những vấn đề này vẫn đang tồn tại và có những cái thành phố tháo gỡ được, có những cái chưa tháo gỡ được.
“Tôi vừa đọc báo cáo kinh tế vĩ mô chi tiết và thấy rằng bức tranh kinh tế trong 4 tháng đầu năm chưa có gì sáng. Có ý kiến cho rằng kinh tế có thể khởi sắc từ cuối quý 2 nhưng có thể cũng rất khó khi dựa vào một số chỉ số thị trường, hay ví dụ, trong 4 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam dựa trên các trụ cột xuất khẩu, đầu tư công… Bức tranh thị trường còn rất khó và chưa thể có giải pháp hiệu quả hơn”, TS. Trần Du Lịch nêu.
Ngay cả tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ quý 1 tăng tốt nhưng qua tháng 4 bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp. Hay như du lịch, vị này cho biết vừa đi dọc miền Trung, khách thưa thớt, kích thích thị trường nội địa rất hạn chế.
Để kinh tế sớm phục hồi, chuyên gia kiến nghị phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của nhà nước và công cụ của doanh nghiệp.
Công cụ của nhà nước là nghiên cứu tiếp tục giảm thuế GTGT theo từng ngành, không chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà cần giảm xuống 5-6%. Thứ hai là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng.
Còn về phía doanh nghiệp, cần một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó như hiện nay, không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ rất khó, ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần kích cầu thị trường nội địa trên tất cả các mặt.
Về phía TP.HCM, chính quyền đang làm những giải pháp căn cơ và tình thế. Về tình thế, cần rà những điểm nghẽn có thể xử lý được để hấp thụ được dòng vốn đầu tư công, nhất là thị trường bất động sản, vì thị trường này nếu không xử lý được thì các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Cái này thành phố đang đẩy mạnh làm.
Còn về căn cơ, Quốc hội đang bàn về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, nếu được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên thành phố có quyền tự chủ rất lớn, đây là điều thành phố đang đeo đuổi. Thật sự, nếu Nghị quyết mới được thông qua và đi vào cuộc sống thì hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được HĐND TP.HCM thông qua để triển khai ngay.
Thành phố đang gỡ cái nhất thời, gỡ căn cơ về thể chế là nghị quyết mới, căn cơ về hạ tầng đang đẩy mạnh là những chương trình chỉnh trang đô thị - bởi môi trường, chỉnh trang và phát triển đô thị là những giải pháp cần thiết phải làm. Nếu gỡ được điểm nghẽn, sức hấp thụ vốn của TP.HCM sẽ tăng lên.
Một mảng mà TP đang làm phối hợp với Trung ương là vốn tín dụng, TS.Trần Du Lịch cho rằng phải tập trung, vì nếu không khơi thông được thị trường này thì đối với điều kiện của kinh tế Việt Nam hiện nay sẽ rất khó phục hồi.
Còn về chương trình cho vay mua nhà ở xã hội đang triển khai với gói 120.000 tỷ đồng, chuyên gia cho rằng cần gỡ về mặt cơ chế chứ không chỉ riêng tín dụng. Chuyên gia đề xuất nên chăng nguồn vốn này nên phân tỷ lệ cho các đô thị, các thành phố lớn để kích cả nhà đầu tư và người tiêu dùng cá nhân.
“TP.HCM là một bộ phận của kinh tế cả nước, khó khăn còn tiếp tục nhưng phải gỡ những vấn đề căn cơ, và gỡ được mới có sức bật cho những năm sau. Còn nếu chỉ gỡ những cái tình thế thì khó khăn sẽ lập lại ở một thời gian khác”, TS. Trần Du Lịch nhìn nhận.
Dù vậy, chuyên gia này vẫn lạc quan khi cho rằng tình hình có thể cải thiện từ quý 3. Ông cho rằng, làm sao những vấn đề kinh tế, những giải pháp, biện pháp tạo niềm tin cho doanh nghiệp để họ tự vươn lên, vì nhà nước không thể làm thay cho doanh nghiệp, mà cần tạo niềm tin cho họ, tạo sinh khí mới trong sự phát triển.
Phải tạo ra những đột phá, động lực mới
Đề cập đến Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đầu tiên cần phải thay đổi nhận thức. Đó là, vấn đề của TP.HCM không chỉ là của thành phố mà phải xác định đây là vấn đề của cả nước.
“Cơ chế, chính sách đột phá cho TP.HCM là cho cả nước. Bởi thành phố gánh trên vai sứ mệnh đầu tàu cả nước, đầu tàu bứt tốc mạnh mẽ thì kéo cả đoàn tàu đi lên. Cần loại bỏ suy nghĩ xin cho, ơn huệ", PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Vấn đề thứ 2 là gỡ vướng cho TP.HCM, việc này là cần thiết nhưng phải tập trung cao hơn, tầm nhìn tốt hơn để tháo gỡ những vấn đề căn cơ.
Theo ông, hiện nay có tâm lý không dám hành động do vướng quá nhiều nên không dám làm. Theo đó, cần nhận diện để giải quyết vấn đề dài hạn. Đây là thời điểm mang tính cơ hội, mở ra tầm nhìn khác để TP.HCM lấy lại vị thế, tăng trưởng.
TP.HCM là đầu tàu nhưng suốt 15-20 năm chưa có được những sự thay đổi căn bản. TP đề xuất nhiều cái rất hay nhưng ít được áp dụng, như là mô hình chính quyền đô thị.
Theo chuyên gia, kinh tế TP suy yếu về vị thế dù nội lực vẫn dồi dào; những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng lên như giao thông, ngập nước, tắt nghẽn hạ tầng…, những động lực mới không được đưa ra. Do đó, phải tạo ra những đột phá, động lực mới cho TP. Ngay bây giờ là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP.HCM và thành phố xứng đáng được điều đó.
Ngoài ra, ông Thiên cũng đặc biệt lưu ý là TP.HCM muốn đột phá là phải có những dự án đột phá cùng với đột phá về thể chế. Theo ông, những trung tâm lớn luôn có tính mở, tính hội nhập, như Singapore, Thượng Hải tự biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế…
"TP.HCM muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước này. Có thể có những dự án đột phá như Cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm thương mại để kéo thế giới vào đây. Các yếu tố này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn"- ông Thiên nêu.
Bên cạnh đó, ông Thiên cũng đề xuất TP.HCM cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương thành cụm đi đầu về mặt thể chế, trung tâm thử nghiệm thể chế cho cả nước. Có như vậy, rủi ro sẽ giảm đi và cộng hưởng sức mạnh của vùng tăng lên, khả năng bứt phá cao hơn rất nhiều.
Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nhìn nhận TP.HCM là đầu tàu cả nước nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; nhiều chuyện cũ chưa được giải quyết thì những vấn đề lớn mới phát sinh. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách còn nhiều chuyện phải bàn.
Do đó, bà Phạm Phương Thảo cho rằng cần phải tháo gỡ ngay vấn đề thể chế, pháp luật để pháp luật không chung chung, chồng chéo.
"Vì sao hiện nay có một bộ phận cán bộ, công chức không dám làm. Một phần do sự chồng chéo, xung đột của pháp luật. Mà khi pháp luật xung đột thì dễ "chết" nên họ sợ, họ e dè là điều dễ hiểu", bà Phạm Phương Thảo chia sẻ
Theo bà Phạm Phương Thảo, địa phương mạnh dạn đề xuất nhưng "trái bóng" thuộc về Trung ương. Do đó, bà hy vọng trong thời gian tới, khi Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54 được thông qua sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho TP.HCM.
Cùng với đó, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM kiến nghị Trung ương cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TP.HCM; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP từ 18% lên 30% để thành phố đầu tư, phát triển.
Về lâu dài, bà Phạm Phương Thảo kiến nghị nên có Luật Đô thị đặc biệt dành cho TP.HCM, có như vậy mới tháo gỡ được những vấn đề căn cơ của một siêu đô thị.