Trong năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền trên 230 nghìn tỷ đồng.
Các giải pháp miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất mang ý nghĩa như một khoản tiền Nhà nước hỗ trợ trực tiếp vào chi phí của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính quay vòng sản xuất.
Giá trị hỗ trợ thiết thực
Hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, ông Phạm Hữu Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần TASA Group tại Phú Thọ cho biết, trong năm 2022, có những thời điểm doanh vô cùng thiếu vốn để sản xuất.
Song nhờ được giãn giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và tiền thuê đất khoảng 55 tỷ đồng, doanh nghiệp đã có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Đó là những điều kiện thuận lợi để động viên kích thích chúng tôi phục hồi sản xuất và xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển tạo công ăn việc làm cho người lao động”, ông Vũ chia sẻ.
Tương tự, ông Chu Wing Cheong, Giám đốc điều hành Công ty TNHH YIDA Việt Nam cũng cho biết, năm 2022, nhờ gia hạn thuế TNDN, giảm thuế GTGT và tiền thuê đất khoảng 12 tỷ đồng, doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất.
“Năm nay sẽ còn rất nhiều khó khăn và công ty mong Quốc hội và Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về thuế”, ông Chu Wing Cheong đề xuất.
Nhìn nhận về những chính sách này, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, trong năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền trên 230 nghìn tỷ đồng.
Các giải pháp miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất mang ý nghĩa như một khoản tiền Nhà nước hỗ trợ trực tiếp vào chi phí của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tai chính quay vòng sản xuất.
Bên cạnh đó, các chính sách giãn thuế được xem như một khoản cho vay không tính lãi, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp xoay vòng vốn nhanh chóng, duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn giai đoạn vừa qua.
“Từ những thuận lợi đó, doanh nghiệp đã có điều kiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động, chính sách thuế luôn gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, nền kinh tế đã phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh”, ông Mạc Quốc Anh đánh giá.
Nối tiếp động lực để bứt phá
Tuy vậy, ông Mạc Quốc Anh cũng cho rằng, trong năm 2023, dù dịch bệnh đã được kiểm kiểm soát, doanh nghiệp phải đối mặt với sự sụt giảm về đơn hàng, khó khăn về nguồn vốn, giá cả tăng cao,... khiến sức khỏe đó càng trở lên suy kiệt hơn.
Chính vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục có thêm các chính sách giãn, giảm thuế... để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo động lực cho phát triển và thực hiện an sinh xã hội.
Ngày 31/01/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dự kiến số tiền thuê đất, mặt nước được giảm năm 2022 sẽ vào khoảng 3.500 tỷ đồng.
Hiện Chính phủ cũng đang xây dựng Nghị định về gia hạn thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023.
Đồng thời, trong dự thảo mới đây, Bộ Tài chính cũng tiếp tục đề xuất với Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất, mặt nước cho cả năm 2023.
“Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời và cần thiết cho doanh nghiệp. Bởi thực tế hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là dòng tiền. Với nguồn hỗ trợ này là sự yểm trợ kịp thời, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh, tạo cú hích để bứt phá trong thời gian tới”, ông Mạc Quốc Anh đánh giá.
Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, những chính sách hỗ trợ về thuế được đánh giá cao nhất vì doanh nghiệp được tiếp cận được ngay.
"Chính sách giảm thuế GTGT 2% là chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất. Doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ", ông Cung nêu rõ.
Từ thực tế này, cộng đồng doanh nghiệp đang trông chờ vào các chính sách điều hành, hỗ trợ hoạt động kinh doanh từ phía Chính phủ, trong đó có chính sách tài khóa đã và đang phát huy tác dụng trong năm 2022.
"Một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm 2023, đó là hoạt động giảm thuế GTGT 2%, từ đó thúc đẩy tiêu dùng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông Cung nhấn mạnh.
Để chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất, ông Cung cho rằng, khi Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cần khắc phục triệt để những nút thắt, những rào cản hành chính để những chính sách được triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với các chính sách quan trọng.