Sáng 27/11, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình giải ngân vốn đầu tư công cho thấy, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 cả nước là hơn 389 nghìn tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước tính giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng của cả nước khoảng 461 nghìn tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch và cao hơn 122,6 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng cao hơn 6,77%.
65 bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân thấp hơn so với mức chung cả nước
Báo cáo cũng nêu rõ, đến hết tháng 10/2023, có 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng dưới mức trung bình của cả nước, chỉ đạt 102,3 nghìn tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đến nay, ước giải ngân 11 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nêu trên khoảng 125 nghìn tỷ đồng, đạt 44,12% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước là 65,1%.
Tuy nhiên, trong số các bộ, địa phương nêu trên, có một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân trung bình 11 tháng cao hơn so với mức bình quân của các nước như: Văn phòng Quốc hội (đạt 83,61%), Bộ Công an (đạt 70,01%), Đài tiếng nói Việt Nam (đạt 68,49%), Hưng Yên (đạt 68,60%), Quảng Ngãi (đạt 68,29%).
Báo cáo nhấn mạnh, số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn (còn khoảng 247 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong khi thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 35 ngày. Do đó, cần có sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc quyết liệt, triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành mới có thể hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg là tỷ lệ giải ngân trên 95%.
Xử lý nghiêm các đơn vị cản trở làm chậm tiến độ giải ngân vốn
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương đạt tỉ lệ giải ngân thấp cần báo cáo, làm rõ nguyên nhân. Trong đó, có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 43 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đến hết tháng 11, bình quân các bộ, cơ quan, địa phương này chỉ đạt tỉ lệ giải ngân khoảng 44%, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước (65,1%), trong đó 15 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện, còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công một số dự án còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt, kịp thời...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.
Nêu rõ khối lượng giải ngân trong tháng cuối năm còn rất lớn, Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để "không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy", phát huy tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, dẫn tới dự án kéo dài, đội vốn, lãng phí.
Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công, nhất là trong công tác thẩm định, giao vốn, kiểm soát chi; đồng thời, tăng cường hậu kiểm...