Chị Lê Hương (trú tại Vinhomes Smart City, Nam Từ Liêm Hà Nội) đang rục rịch thăm dò thị trường, khảo sát các dự án bất động sản. Mục tiêu của chị Hương là đợi giá nhà giảm mạnh sẽ vào tiền để gia tăng tài sản tích trữ.
Tự nhận mình không phải là nhà đầu tư, chỉ muốn mua thêm căn hộ hoặc nhà đất để dự phòng cho tương lai, chị Hương nhận định, thị trường khó khăn, giá bất động sản còn tiếp tục xuống. Dự đoán của chị Hương, giữa năm 2023, giá bất động sản hạ mạnh. Đó là cơ hội để chị Hương lựa chọn và mua.
Cùng suy nghĩ như chị Lê Hương, anh Trần Tiến (Hoài Đức, Hà Nội) cũng trong tâm thế bắt đáy. Hiện tại, anh Tiến đang thuê căn chung cư 2 phòng ngủ, diện tích 65m2. Dù mỗi tháng phải trả 7 triệu tiền thuê nhà nhưng anh vẫn đang cố đợi giá nhà ở Hà Nội sẽ giảm thêm.
“Hiện tại tài chính của tôi chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng. Vợ chồng tôi mong giá nhà hạ mạnh để còn tìm được căn ưng ý. Gia đình hai bên giục giã việc mua nhà nhưng chúng tôi đang cố đợi. Số tiền còn lại gửi tiết kiệm để chờ thị trường xuống”, anh Tiến chia sẻ.
Người mua trong tâm lý chờ bất động sản giảm sâu.
Tâm lý cầm tiền mặt, chờ thị trường hạ để bắt đáy không phải là trường hợp hiếm gặp. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư kỳ cựu, người theo sát với thị trường hơn 10 năm lại cho rằng: Trường hợp người mua có nhu cầu ở thực nên mạnh dạn tìm và lựa chọn sản phẩm phù hợp để xuống tiền. Bởi thực tế, giá nhà sẽ rất khó giảm.
Lãnh đạo doanh nghiệp chuyên phân phối dự án lớn trên thị trường địa ốc có trụ sở tại Hà Nội cho hay, tâm lý nhiều người hiện tại: Cứ chờ đợi, mong thị trường sập, giá giảm thật sâu để vào tiền. Nhưng dù thị trường khó khăn, giá nhà khó có thể giảm mạnh.
Vị này phân tích, như thời điểm 2011-2013, người ta cũng chờ đợi giá giảm sâu hơn nữa để vào hàng. Nhưng không ai có thể biết đáy của bất động sản đâu. Chính vì vậy, ngay cả lúc thị trường đã định hình đáy, người ta vẫn tiếp tục mong giá giảm sâu hơn nữa để vào hàng. Nhưng đến lúc thị trường đi lên, giá tăng, người mua lại mất cơ hội mua được giá rẻ. Và đó là giai đoạn giá bất động sản liên tục tăng lên.
Cũng theo vị này, sang năm 2023, loại hình nhà đánh vào nhu cầu ở thực rất khó giảm, chỉ đi ngang. Chỉ có đất nền, đất thổ cư, hay bất động sản nghỉ dưỡng mới giảm mạnh.
Trong một diễn đàn mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest phân tích, có sự khác biệt giữa thị trường bất động sản 2022-2023 và cuộc khủng khoảng năm 2012-2013.
Ở cuộc khủng hoảng 2012-2013 là khủng hoảng thừa sản phẩm. Nguồn cung bất động sản nhiều. Khi đó, rất nhiều dự án ra đời, người người nhà nhà làm bất động sản. Vì hàng dư thừa nên sức mua kém, dẫn tới hiện tượng giảm giá. Thời điểm đó, dự án Nam Đô của ông cũng phải giảm giá từ 24 triệu đồng/m2 xuống còn 22 triệu đồng/m2. Dự án phải hoàn thành tiến độ mới có thể bán được hết.
Nhưng hiện tại, thị trường lại đối mặt với tình trạng thiếu hàng. Thế nên, dù sức mua giảm thì giá vẫn không giảm và neo ở ngưỡng cao.
Ông Hiệp cũng cho rằng, giá nhà sẽ tăng là bởi giá vật liệu xây dựng, giá nhân công đều tăng lên, Luật đất đai sắp tới đưa giá đất sát giá thị trường. Và từ tháng 7/2023, tiền lương cơ bản cũng được nâng lên, nên đơn giá nhân công cũng sẽ tăng lên.
Ông Hiệp nhấn mạnh, suất đầu tư xây nhà thấp tầng hiện là 6 triệu đồng/m2, nhà cao tầng là 13-14 triệu đồng/m2 và đang tiếp tục tăng lên. Thế không thể hy vọng giá nhà xuống được, giá nhà chỉ có tăng lên thôi.
Giới chuyên gia chung nhìn nhận, ngay thời điểm thị trường chững lại, giá nhà đáp ứng nhu cầu thực không có sự biến động lớn. Trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng, nguồn cung hạn chế, tâm lý của người mua là găm hàng và chờ đợi thị trường phục hồi sẽ bán.