Cơ hội tiếp nhận nguồn chính sách, hỗ trợ
Tăng trưởng xanh là xu hướng chi phối toàn cầu, là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của cả thế giới. Việt Nam cũng đang chịu áp lực trước xu hướng đó, đồng thời đây cũng là một hướng phát triển.
Phát biểu tham luận tại hội thảo "Tầm nhìn Xanh Việt Nam và Những câu chuyện điển hình" được tổ chức mới đây. PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, tầm nhìn xanh là sứ mệnh phải thực hiện, là sứ mệnh sống còn, đem lại lợi ích cao nhất.
Việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, theo ông Thiên đã gây ngạc nhiên cho nhiều quốc gia. Một só nước như Ấn Độ cũng cam kết một cách dè dặt là đến năm 2070, Trung Quốc cam kết đến năm 2060.
Chuyên gia này nhận định, tăng trưởng xanh là xu hướng chi phối toàn cầu, là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của cả thế giới. Việt Nam cũng đang chịu áp lực trước xu hướng đó, đồng thời đây cũng là một hướng phát triển. Lựa chọn đi theo hướng này có khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu trong khu vực.
“Người đi đầu sẽ có gian khổ nhưng cũng là người có lợi đầu tiên” - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Với cam kết lớn như vậy, Việt Nam đương đầu với những thách thức lớn, nhưng đó cũng là cơ hội để tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ để có thể “đi sau về trước”.
Chuyển đổi xanh giúp giảm thiểu chi phí trong tương lai
Nhiều doanh nghiệp đã định hướng phát triển xanh. Sau khi Thủ tướng công bố tại COP 26, HSBC đã cam kết thu xếp 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững cho Việt Nam. Sau thời điểm đó, HSBC cũng có hành động phối hợp với cơ quan quản lý, các tổ chức để phối hợp đưa ra chương trình hành động, chia sẻ kinh nghiệm từ thị trường quốc tế. Hiện tại HSBC đã thu xếp được 2 tỷ USD cho thị trường Việt Nam, theo chia sẻ của bà Lâm Thúy Nga – Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn Ngân hàng HSBC Việt Nam.
HSBC cũng đã đồng hành với khách hàng trong chuyển đổi xanh, giúp họ chuyển đổi công nghệ, xây dựng các khung chính sách. Năm 2021, HSBC đã làm việc với VinGroup xây dựng khung tài trợ xanh, thu xếp trái phiếu chuyển đổi bền vững đầu tiên.
Trong ngành bảo hiểm, đại diện Manulife cũng chia sẻ về những nỗ lực xanh hóa của doanh nghiệp này. Bà Trần Thị Kim Cương, Tổng giám đốc Manulife Investment Việt Nam cho biết, Manulife có trụ sở chính ở Canada. Và tại Canada, Manulife đã bắt đầu hành động từ lâu, trong đó thúc đẩy trồng cây, mở rộng diện tích rừng. Đến nay, Manulife đã thực hiện trồng được 1,3 tỷ cây với 2,2 triệu hecta trải dài ở các nước.
Doanh nghiệp ngành du lịch, nghỉ dưỡng cũng không nằm ngoài xu thế xanh hóa này. Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh - Tổng giám đốc Sun Hospitality Group Sungroup chia sẻ, ngay từ những ngày đầu, khi "dấn thân" vào mảng du lịch, SunGroup đã đặt ra triết lý hài hoà là sự phát triển doanh nghiệp đi đôi với sự phát triển của địa phương. SunGroup vẫn đang kiên định và quyết liệt thực hiện chiến lược này.
Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh đã dẫn chứng về vai trò của du lịch trong việc góp phần thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh" qua câu chuyện thực tế tại Quảng Ninh. Đồng thời cho biết, là doanh nghiệp chọn du lịch làm lĩnh vực đầu tư chiến lược, Sun Group kiên định theo đuổi triết lí về sự hài hòa, xem đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Để tiếp tục phát triển dự án xanh, thời gian tới SunGroup tiếp tục hợp tác đối tác hàng đầu trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng để những dự án, tổ hợp được đưa vào vận hành sẽ đạt được tiêu chí cao nhất về chất lượng dịch vụ và tiêu chí xanh.
Đại diện cho nhóm ngành sản xuất, ông Lê Anh – Giám đốc phát triển bền vững Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân nêu ý kiến, kinh tế tuần hoàn là khái niệm mới nhiều người không biết đến. Duy Tân bắt đầu tìm hiểu về công nghệ từ năm 2016, bắt đầu xây dựng từ năm 2019 và vận hành từ năm 2021. Nhựa tái sinh trên thế giới đắt hơn khá nhiều, thậm chí đắt hơn tới 40-50%. Do đó khá dễ hiểu khi ít doanh nghiệp sử dụng.
"May mắn là chúng tôi cũng đã có thị trường, có cả nước ngoài. Thành thực chia sẻ về mặt kinh doanh, chúng tôi chưa có lãi. Đó là bài toán khó, kinh tế tuần hoàn thực sự thách thức vì chi phí đầu tư tái chế công nghệ cao rất lớn, người tiêu dùng chưa đón nhận, khách hàng chưa sẵn sàng" - ông Lê Anh nói.
Tuy nhiên, đại diện từ Nhựa tái chế Duy Tân cũng kỳ vọng khi Nghị định 08 đi vào thực tế, ngành tái chế công nghệ cao sẽ có sự thay đổi năng động hơn, doanh nghiệp dấn thân hơn, có thêm nhiều ngành tham gia, chẳng hạn như doanh nghiệp giấy. Về nguồn vốn, trước đây vốn của của Nhựa tái chế Duy Tân chủ yếu là vốn tự có. Tuy nhiên, cách đây 2 ngày, Nhựa tái chế Duy Tân đã là doanh nghiệp đầu tiên được cấp chứng chỉ tín dụng xanh của HSBC.
Quá trình dịch chuyển sang tăng trưởng xanh tuy nhiên cần đến nguồn lực tài chính rất lớn, đây là một thách thức không nhỏ với cả chính phủ và các doanh nghiệp. Theo World Bank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt NET ZERO, nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến 30/6/2023 chỉ đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh đã không còn rẻ nữa.
“Hiện nay lãi suất của FED, các nước châu âu ở mức rất cao, cao hơn Việt Nam, chưa bao giờ có tình cảnh như hiện nay”, Phó Tổng Giám đốc HD Bank - ông Trần Hoài Nam nói.
Thách thức thứ hai được lãnh đạo nhà băng này chỉ ra là về năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; Đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; Các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.
Tuy nhiên với thách thức luôn có cơ hội. Theo ông Trần Hoài Nam, Việt Nam có thể tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi. Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới cùng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh.